MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trang bị máy móc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng hiện đại. Ảnh: Hải Nguyễn

Giáo dục nghề nghiệp và giấc mơ nhân lực chất lượng cao: Phải bám sát chiến lược phát triển kinh tế

Quỳnh Chi LDO | 08/08/2020 09:11
Theo báo cáo của Bản tin Thị trường lao động Việt Nam quý I/2020, tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 23,74%, trong đó trình độ đại học chiếm gần 11%, cao đẳng 3,87%, trung cấp 4,37%, sơ cấp nghề là 4,54%. Khát vọng giáo dục nghề nghiệp cung ứng cho thị trường nhóm nhân lực chất lượng cao sẽ không xa vời nếu chiến lược đào tạo bám sát chiến lược phát triển kinh tế.

Đây cũng là nhận định của ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) trong cuộc trao đổi với Lao Động chiều 7.8.

Nhân lực dồi dào, phân luồng kém

Việt Nam hiện có một đội ngũ nhân lực khá dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới với trên 55,33 triệu lao động (LĐ) từ 15 tuổi trở lên, chiếm 75,39% dân số. Theo thống kê cụ thể trong báo cáo trên thì so với nhiều nước trong khu vực ASEAN, tỉ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam còn thấp (LĐ qua đào tạo ở nhiều nước là 50%).

Thực tế cho thấy, đội ngũ LĐ Việt Nam hiện nay trẻ và dồi dào nhưng phần lớn chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Cơ cấu LĐ qua đào tạo và xu hướng chuyển dịch còn bất hợp lý. Tỉ lệ LĐ có trình độ cao ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành chủ lực quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH, HĐH) chỉ chiếm 9% tổng số LĐ trong khi các nước phát triển lên đến 40-60%. Tình trạng thiếu cả thầy và thiếu cả thợ, vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp, công tác hướng nghiệp, phân luồng chưa tốt nên dẫn đến mất cân đối về lực lượng LĐ, năng suất LĐ dù đã có sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng còn khoảng cách với nhiều nước trong khu vực.

Theo mục tiêu của ngành Giáo dục, mỗi năm phải phân luồng được khoảng 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS theo học các trường nghề, 70% còn lại sẽ vào lớp 10 khối THPT. Nhưng trên thực tế, trong nhiều năm qua, số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề chưa đến 10%.

Đào tạo sát nhu cầu thị trường

Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28.02.2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH phê duyệt kế hoạch và quy định để tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Việc tổ chức đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm quốc tế theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Australia tại 25 trường đang tổ chức đào tạo cho hơn 730 sinh viên với 41 lớp.

Bộ cũng tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo 22 bộ chương trình chuyển giao từ Đức bắt đầu từ cuối năm 2019. Có 45 trường tham gia thí điểm, với tổng số 1.056 sinh viên; 264 nhà giáo tham gia lớp đào tạo. Dự kiến đến hết năm 2020, chương trình đào tạo sẽ bồi dưỡng 7.950 cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) các cấp để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý GDNN (đạt 66,25% so với kế hoạch tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Về nhu cầu tuyển dụng nhân lực của ngành GDNN, thời gian qua, không chỉ tuyển dụng kỹ sư tốt nghiệp đại học, nhiều doanh nghiệp FDI tuyển dụng nhiều sinh viên trường nghề, đặc biệt nhóm đi thi tay nghề thế giới và có giải, trả lương rất cao. Trong khi đó, không ít cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp đại học vẫn chật vật với câu chuyện tìm việc làm. Sự thành công của không ít sinh viên trường nghề cho thấy, chúng ta phải tìm được hướng đi đúng, đặc biệt phải đón đầu được nhu cầu nhân lực của thị trường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho rằng, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao của GDNN phụ thuộc vào 2 nguyên nhân. Thứ nhất, về chương trình, mục tiêu đào tạo theo nhu cầu thị trường, chương trình phải sát với yêu cầu thị trường chứ không đào tạo theo kiểu có gì dạy nấy.

“Giờ đây, các nhà trường, cơ sở giáo dục phải thay đổi theo yêu cầu thị trường, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới và tận dụng kết quả cách mạng 4.0 thì sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường. Tất nhiên không phải toàn bộ cơ cấu đào tạo nghề như vậy, có nhóm chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường; có nhóm LĐ phổ thông vì doanh nghiệp nước ngoài chuyên môn hóa cao, chỉ cần đào tạo thời gian ngắn” - ông Huân cho hay.

Cũng theo ông Huân, việc cho “ra lò” nhân lực chất lượng cao của GDNN phụ thuộc chiến lược phát triển kinh tế, xu hướng xã hội sẽ vận động theo hướng nào. “Làm công nghiệp hỗ trợ hay sản xuất, căn cứ chiến lược phát triển kinh tế đó thì mới có chiến lược đào tạo bám sát vào. Thực tế, cách mạng 4.0 đặt ra một số vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có LĐ chất xám, phải hướng vào việc đó mới sử dụng được; nếu không bám yêu cầu, đào tạo tràn lan, “lệch” hướng sẽ gây lãng phí rất lớn. Ngoài ra, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, chúng ta phải tính xem khi hội nhập mình sẽ làm gì, đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó định hướng đào tạo sát thực hơn” - ông Huân nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn