MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân Hà Nội chọn sử dụng tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông để tới trường học, cơ quan. Ảnh: Nhật Minh

Giao thông công cộng Hà Nội hút hành khách

NHẬT MINH LDO | 24/02/2024 07:27

Những chuyển biến trong chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô đang giúp “kéo” hành khách trở lại, nâng tỉ lệ người dân sử dụng xe buýt, tàu điện tăng cao hơn.

Tín hiệu tích cực của dịch vụ vận tải hành khách công cộng

8h30 sáng, Hà Quang Minh - sinh viên năm 3, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - có mặt tại ga Cát Linh (Đống Đa) để mua vé tháng, phục vụ cho việc đi học hằng ngày.

Minh cho biết, đã sử dụng loại phương tiện này được hơn 2 năm nay.

“Từ khi lên đại học, tàu điện trên cao đã trở thành phương tiện đi học hằng ngày của em, em chỉ mất 5 phút để đi bộ từ nhà ga tới trường” - Quang Minh nói.

Quang Minh cho rằng, việc di chuyển bằng tàu điện trên cao giúp chủ động hơn về thời gian đi học bởi không gặp tình trạng ùn tắc.

“Nếu đi xe máy, em thường mất 40-45 phút để tới trường còn đi bằng tàu điện thì chỉ mất 15 phút” - Quang Minh cho hay và mong rằng trong tương lai, các tuyến đường sắt trên cao sẽ ngày càng được mở rộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và góp phần giải quyết các “điểm đen” về ùn tắc giao thông.

Ông Lê Quyết Thắng (70 tuổi, Đống Đa) cho biết, tàu điện trên cao đã trở thành phương tiện di chuyển thường ngày của ông bởi sự an toàn, thuận tiện mà nó mang lại.

“Người cao tuổi chúng tôi sử dụng phương tiện này sẽ tránh được ô nhiễm môi trường, thời tiết khắc nghiệt và đảm bảo an toàn khi di chuyển xa” - ông Thắng nói.

Cũng lựa chọn phương tiện công cộng để đi lại hằng ngày, chị Bùi Ngọc Hiền (31 tuổi, Long Biên) cho biết, đã sử dụng dịch vụ xe buýt công cộng khoảng 1 năm nay bởi chi phí hợp lý và tiện lợi.

Chị Hiền cho hay, hiện nay, phần lớn các xe buýt đã được đầu tư, đổi mới với hệ thống điều hoà, ghế ngồi đầy đủ để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, có nhiều trạm chờ, nhà xe được xây dựng để đảm bảo an toàn cho người dân chờ xe.

Tuy nhiên, vào những giờ cao điểm, các xe buýt thường rơi vào tình trạng đông đúc, quá tải hành khách.

“Vào giờ cao điểm, có những chuyến xe buýt chật kín người, không khí ngột ngạt nên tôi đành phải đợi chuyến khác lâu hơn” - chị Hiền chia sẻ.

Trạm trung chuyển Long Biên đông khách chờ xe buýt vào sáng 22.2. Ảnh: Nhật Minh

Hợp lý hóa lộ trình, tần suất phương tiện công cộng

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, trong năm 2023, đơn vị đã tham mưu rà soát, trình Sở GTVT Hà Nội phê duyệt điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, tần suất, thời gian biểu chạy xe đối với 78 tuyến buýt.

Trong đó hợp lý hóa lộ trình 18 tuyến; điều chỉnh lộ trình, dịch vụ 27 tuyến; điều chỉnh tần suất dịch vụ 8 tuyến; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe 25 tuyến. Đến nay kết quả mang lại rất khả quan. Việc điều chỉnh, hợp lý hóa lộ trình xe buýt bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực cho cả hành khách lẫn doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố cho mời đơn vị tư vấn độc lập vào đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt Thủ đô. Các đơn vị liên quan cũng đang nỗ lực hết sức chuẩn bị cho việc triển khai Thẻ vé điện tử, mang đến dịch vụ thuận tiện, hiện đại cho hành khách sử dụng xe buýt.

Theo ông Phương, sản lượng khách tăng trở lại cho thấy người dân vẫn rất tin tưởng và kỳ vọng ở vận tải hành khách công cộng. Việc nâng cao chất lượng xe buýt, hợp lý hóa mạng lưới tuyến, bảo đảm thuận tiện sẽ khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân. Riêng Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) năm 2023 vận chuyển hơn 227,6 triệu lượt hành khách, tăng 35% so với năm 2022

Để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đại diện Transerco cho biết, đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư một số tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Xe buýt nhiên liệu sạch mang đến cho hành khách cảm giác rất thoải mái, dễ chịu, đó là một trong những ưu điểm hấp dẫn người dân.

Đồng thời, tăng số lượng và chất lượng của hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiên quyết không bao che và xử lý nghiêm các vi phạm của nhân viên xe buýt, dù trong bối cảnh thiếu hụt lao động trực tiếp…

Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, trong năm 2024, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được đưa vào vận hành, phục vụ hành khách trên cung đường Nhổn - Cầu Giấy. Với những con số ấn tượng đường sắt đô thị đạt được trên tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông, sản lượng khách của vận tải hành khách công cộng Hà Nội được kỳ vọng sẽ tăng nhanh hơn nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn