MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kẹt xe tại TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Giao thông hỗn loạn, tê liệt vì thiếu đồng bộ tại Hà Nội và TPHCM: Vẫn xây dựng, mở rộng, cắt xén kiểu chắp vá

Minh Quân - Đặng Tiến LDO | 18/11/2020 07:00

Tình trạng giao thông ùn tắc tại Hà Nội và TPHCM cũng đang là thực trạng tại một số đô thị lớn của cả nước. Các chuyên gia giao thông cho rằng, nguyên nhân chính do không đồng bộ về hạ tầng và xây dựng hạ tầng chưa hợp lý.

“Ma trận” xung đột và ùn tắc giao thông

Từ nhiều năm nay, tuyến Trường Chinh là điểm nóng về ùn tắc của Hà Nội. Sau nhiều nỗ lực của chính quyền, tuyến này đã được mở rộng, khơi thông luồng tuyến để giúp người dân đi lại dễ dàng thuận tiện và nhanh chóng hơn. Được kỳ vọng như vậy, nhưng người dân chỉ kịp vui mừng trong thời gian ngắn, đến nay, tuyến đường này lại rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng.

Tại TPHCM, khu vực vòng xoay Hàng Xanh đứng đầu trong 22 điểm nóng ùn tắc giao thông. Nút giao thông Hàng Xanh là cửa ngõ phía đông TPHCM có mật độ xe lưu thông rất lớn, trong đó có đến 16 tuyến xe buýt đi qua nút giao thông này. Đây cũng là tuyến đường người dân TPHCM hướng đến bến xe Miền Đông - nơi có hơn 200 tuyến xe khách liên tỉnh.

Vào cao điểm buổi chiều, chạy xe đến vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), nhiều người đã biết ngay mình bắt đầu đi vào một “ma trận” về ùn tắc giao thông. Tại giao lộ Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh, dòng xe bị ùn ứ trên đường Bạch Đằng do xe từ đường Bạch Đằng rẽ trái về Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đồng thời nhiều xe từ Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng rẽ trái vào đường Bạch Đằng. Xung đột giao thông cũng xảy ra từ đường D5 có nhiều ôtô rẽ phải vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh với dòng xe đi thẳng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Qua điểm kẹt xe trên, dòng xe tiếp tục bị ùn ứ tại nút giao thông ngã năm Đài Liệt sĩ là điểm giao cắt giữa các đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Xí - quốc lộ 13 có số lượng lớn xe lưu thông qua nút này. Trong khi đó tại nút giao thông Hàng Xanh, chiếc cầu vượt bằng thép dành cho ôtô và xe máy chạy thẳng trên cầu còn khá trống trải, trong khi bên dưới cầu vượt này là các dòng xe ùn ứ từ đường Nguyễn Thị Minh Khai băng qua vòng xoay để hướng về đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và chiều ngược lại.

Tương tự, nút giao thông vòng xoay Lăng Cha Cả - cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Nhiều người dân sống ở khu vực này cho biết từ 17h30 đến 19h là thời điểm “nóng” của nút giao thông Lăng Cha Cả. Bà Hoàng Thị Thúy Mai, bán quần áo ở đường Cộng Hòa, cho biết, mỗi khi chiều tới là cửa tiệm không bán buôn gì được bởi xe cộ đông nghẹt, không ai ghé vào.

“Người ta còn leo lên vỉa hè, nhiều khi đụng trúng xe máy của mình đang đậu trước tiệm” - bà Mai nói. Cách đó không xa, tại giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cũng là điểm đen kẹt xe của TPHCM trong nhiều năm qua.

Theo người dân khu vực này, buổi sáng từ 6h30 - 8h30, hàng ngàn phương tiện từ đường Trường Chinh đồng loạt đổ về tuyến đường này vào trung tâm TPHCM, dẫn đến cảnh hàng nghìn xe máy chen ôtô nhích từng chút. Thậm chí, vỉa hè qua đây cũng trở thành đường lưu thông xe gắn máy. Buổi chiều (4h30 - 19h30) hàng nghìn phương tiện cũng tiếp tục từ trung tâm TPHCM đổ về hướng quận 2, khiến đường ken đặc xe di chuyển, rất khó khăn.

Đáng chú ý, mặc dù tại giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám có cầu vượt thép trên đường Cộng Hòa nhưng cũng không thể giải quyết dứt điểm nạn kẹt xe dưới chân cầu. Nguyên nhân do mặt cầu nhỏ trong khi lượng phương tiện đi lớn nên không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại, dẫn đến thường xuyên ùn ứ tại khu vực.

Theo Sở GTVT TPHCM, thời gian qua, thành phố hoàn thành đưa vào sử dụng 51 công trình giao thông trọng điểm góp phần cải thiện căn bản tình hình giao thông khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, các nút giao thông lớn… Năm 2016, thành phố có 37 điểm ùn tắc giao thông, năm 2017 giảm còn 34 điểm, năm 2018 giảm còn 28 điểm và năm 2019 giảm còn 22 điểm ùn tắc giao thông.

Thiếu đồng bộ toàn tuyến

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, trên thế giới không có chuyện làm thêm đường mới lại thêm tắc, nguyên nhân chính do không đồng bộ và xây dựng hạ tầng chưa hợp lý, khoa học giữa các phương thức giao thông với nhau chứ không thể làm đại trà lấy thành tích không hiệu quả như hiện nay. Việc xây dựng những cầu vượt, cầu trên cao cũng đã có hiệu quả nhất định. Cụ thể tại Hà Nội cũng đã giảm được khoảng 30% ùn tắc giao thông nội đô. Nhưng khi triển khai chúng ta vẫn tính toán chưa hợp lý, khiến hạ tầng không đáp ứng và theo kịp sự phát triển của phương tiện.

Đường vành đai 2 rất tốn kém (khoảng 5.000 tỉ đồng) nhưng lại vướng tại các nút giao thông, gây ùn tắc cục bộ. Việc áp dụng giao thông thông minh (đèn tín hiệu) cũng chưa được tính toán kỹ, nhiều ngã tư đèn đó 90 giây mà đèn xanh chỉ 25 giây nên tắc là đương nhiên. Chưa kể, ngã tư nào có cầu vượt thì sẽ phải giảm số giây đèn đỏ xuống vì nó đã giảm được xung đột giao thông.

Không phủ nhận khi đường trên cao vành đai 2 đi vào hoạt động đã nâng cao đáng kể năng lực thông qua của đường Trường Chinh. Tuy nhiên ngay khi đường trên cao vành đai 2 đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng kéo dài tại khu vực Ngã Tư Sở.

Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia TS Trần Hữu Minh chỉ ra rằng, việc không đồng bộ về công suất giữa tuyến đường Trường Chinh (cả trên cao và mặt đất) và nút Ngã Tư Sở; không đồng bộ trên toàn tuyến vành đai 2 đã tạo nên những nút thắt cổ chai và phương án thiết kế hiện nay tạo ra rất nhiều xung đột và giao cắt tại Ngã Tư Sở đặc biệt chiều từ Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, nhưng công tác tổ chức giao thông và chu kỳ đèn ở khu vực này còn rất nhiều hạn chế. Đây là điển hình của việc quy hoạch, thiết kế tổ chức giao thông không hợp lý và không nên đổ lỗi cho ý thức của người tham gia giao thông dẫn tới ùn tắc.

Bên cạnh đó theo đánh giá của Sở GTVT TPHCM, một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông là quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn thành phố quá thấp.

Mỗi năm thiệt hại 2,5 tỉ USD vì ùn tắc giao thông

Theo số liệu của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã gây thiệt hại khoảng 1,2 tỉ USD mỗi năm và tại TPHCM là khoảng 1,3 tỉ USD. Ngoài ra, môi trường đầu tư, hiệu quả khai thác năng lực phương tiện vận tải và các vấn đề phát triển xã hội khác đều bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia “tắc nghẽn” giao thông đang là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế của hầu hết các địa phương trên cả nước. M.Q - Đ.T

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn