MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM sẽ tận dụng đầu tư, khai thác giao thông đường thủy để giảm kẹt xe cho đường bộ. Ảnh: M.Q

Giao thông thủy TPHCM cạnh tranh với đường bộ

MINH QUÂN LDO | 14/10/2022 08:56
TPHCM có 110 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000km, cùng với hệ thống cảng biển, bến thủy nội địa rải đều được xem là lợi thế phát triển giao thông thủy nhưng đầu tư lĩnh vực này chưa tương xứng. Do đó, sắp tới TPHCM sẽ chi hàng chục nghìn tỉ đồng khai thác tối đa tiềm năng giao thông thủy, giúp chia lửa và hướng tới cạnh tranh với đường bộ trong tương lai.  

Thừa tiềm năng, thiếu hạ tầng

Từ giữa năm 2020, điểm nghẽn tuyến đường thủy trên sông Sài Gòn đã được khơi thông khi cầu Bình Lợi cũ được tháo dỡ, thay bằng cầu Bình Lợi mới. Từ đó các tàu thuyền đi theo tuyến các tỉnh miền Tây - TPHCM - Đông Nam Bộ và ngược lại thuận lợi hơn.

Ông Hà Thanh Sơn - Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TPHCM) cho biết, cầu Bình Lợi cũ tháo dỡ, nâng độ tĩnh không thông thuyền từ 1,5m lên 7m giúp mở nút thắt giao thông quan trọng tại khu vực này.

Bên cạnh đó, cảng An Sơn (tỉnh Bình Dương) đưa vào khai thác đẩy khối lượng hàng hóa vận tải thủy tăng vọt, chưa kể chi phí vận chuyển giảm từ 30% - 60% so với vận tải đường bộ.

"Nhiều lượt tàu container 2.000 tấn, tàu du lịch sức chở lớn 200 khách lưu thông dễ dàng trên sông Sài Gòn, không chỉ góp phần phát triển du lịch sông nước mà giúp kết nối vận tải hàng hóa từ các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh về các cảng hạ lưu như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải" - ông Sơn nói.

Theo đánh giá của Sở GTVT TPHCM, thành phố có tiềm năng, lợi thế lớn về hệ thống sông ngòi với 110 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy, bao gồm tuyến đường thủy nội địa, tuyến hàng hải (tổng chiều dài hơn 975km) cùng hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa rải khắp trên địa bàn. 

Vài năm gần đây sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy ở TPHCM chiếm gần 40% so với vận tải bằng đường bộ. Tuy nhiên, tỉ trọng vốn đầu tư cho đường thủy tính cho 5 năm gần đây chỉ bằng 5,4% so với đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới đường bộ. Do đó, thời gian qua, nhiều tuyến đường sông, biển đã được khai thác vận chuyển hành khách, hàng hóa, phát triển du lịch... nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Cụ thể, trong 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, có tổng cộng 218 cầu thì 102 cầu không đảm bảo tĩnh không, khẩu độ cần có. Việc xây dựng hệ thống kè chống sạt lở, chỉnh trang, nạo vét cũng chưa được quan tâm thích đáng.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng thủy nội địa chưa được đầu tư theo quy hoạch.

Cần đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng cho giao thông thủy

Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, tiềm năng khai thác giao thông vận tải đường thủy nội địa trên mạng lưới sông, kênh rạch của TPHCM rất lớn, nếu được khai thác tốt, sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa.

Ngoài ra, giao thông vận tải đường thủy nội địa còn có nhiều lợi thế khác như có thể vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, hàng hóa siêu trường, siêu trọng, lại ít gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, một khi đường thủy phát triển, áp lực giao thông trên đường bộ hiện đang quá tải sẽ được san sẻ.

Để đảm bảo đường thủy tiếp tục phát triển, ông Bùi Hòa An cho biết, ngành giao thông thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều dự án.

Cụ thể là đầu tư các tuyến đường thủy liên kết khu Đông thành phố kết nối với khu bến trên sông Đồng Nai, đầu tư các tuyến kết nối đến khu cảng biển Hiệp Phước, Nhà Bè có tổng chiều dài khoảng 35,6km với kinh phí khoảng 400 tỉ đồng. Đầu tư kè bờ kết hợp xây dựng các bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách kết hợp du lịch trên sông Sài Gòn trong phạm vi từ ngã ba Đèn Đỏ (Nhà Bè) đến ranh giới rạch Vĩnh Bình (tiếp giáp tỉnh Bình Dương).

Tiếp theo là xây dựng tuyến đường thủy nội địa Vành đai trong: từ sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương - rạch Nước Lên - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 30km với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỉ đồng.

Ngoài ra, xây dựng tuyến đường thủy Vành đai ngoài: từ sông Sài Gòn - rạch Tra - kênh xáng An Hạ - kênh Lý Văn Mạnh - sông Chợ Đệm - Bến Lức - sông Cần Giuộc - rạch Bà Lào - rạch Sông Tắc - rạch Trau Trảo - rạch Chiếc - sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 108km, kinh phí 4.794 tỉ đồng.

Đồng thời, đầu tư các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đã được TPHCM phê duyệt.

“Theo tính toán, từ nay đến năm 2050, TPHCM cần hơn 21.000 tỉ đồng để hoàn thiện mạng lưới giao thông thủy phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn