MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa cơm chiều cuối năm của khu bệnh nhân nữ. Ảnh: Đ.V

Giao thừa lặng lẽ ở một góc trời

ĐỖ VẠN LDO | 03/02/2019 14:15
Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần xã Tam Ngọc (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam)ngày cuối năm không chộn rộn như không khí bên ngoài. Hơn 250 bệnh nhân vẫn“yênbình” trong thế giới của riêng mình. Họ dường như không biết đến tháng ngày,không lo toan cuộc sống, không hơn thua số phận.

Đến làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần từ năm 2003, gần 15 năm nay, anh Lê Văn Quảng luôn ở bên người bệnh trong khoảnh khắc giao thừa.

Anh chia sẻ, hầu như bệnh nhân ở đây đều bệnh nặng, việc phục vụ các bệnh nhân không hề đơn giản.

Các nhân viên như anh Quảng luôn ngồi trò chuyện để cùng bệnh nhân để hiểu họ hơn. Ảnh: Đ.V

“Nhiều người bệnh hất cả cơm, xông thẳng vào đánh, gọi tên người điều dưỡng ra chửi bới, nhưng vì “yêu” họ nên không  ai bỏ nghề được. Mỗi ngày đều có những tình huống dở khóc, dở cười. Những người chăm sóc bệnh nhân ở đây yêu nghề lắm mới trụ vững…” – anh Quảng tâm sự.

Trung tâm hiện có 4 khu: 1 khu dành cho bệnh nhân nhẹ, 1 khu tập phục hồi chức năng, 1 khu dành cho bệnh nhân nặng và 1 khu dành cho bệnh nhân nữ. Tất cả đều rất gọn gàng, sạch sẽ.

Đang ngồi xếp quần áo cho các bệnh nhân, chị Lê Thị Ánh chia sẻ, chị cùng với anh Quảng là những người vào làm việc trong những ngày đầu trung tâm mới thành lập. Ngót nghét đã tròn 15 năm. Công việc tuy vất vả những giờ nơi này đã là nhà rồi, không bỏ được.

“Cứ Tết đến, mỗi bệnh nhân đều được chuẩn bị ba bộ quần áo mới để mặc trong ba ngày Tết. Lúc giao thừa, trung tâm còn tổ chức vui chơi cho các bệnh nhân. Công việc ở đây đầy nặng nhọc, bất trắc, nhất là đối với những bệnh nhân nặng. Tất cả đều phải nhẹ nhàng, từ tốn. Nhưng việc gì cũng gặp sự phản đối, thậm chí bị hành hung. Chỉ có yêu nghề, yêu bệnh nhân lắm mới làm được…” - chị Ánh cười hiền.

Chị Ánh ngồi trò chuyện cùng các bệnh nhân. Ảnh: Đ.V

Nhìn cách chị Ánh, anh Quảng và các nhân viên khác ở đây nhỏ nhẹ, ân cần với bệnh nhân cũng đoán được công việc vất vả của các chị đang làm. Chỉ những người có cái tâm yêu thương, sự chịu đựng, hy sinh, biết chia sẻ thì mới làm được công việc này.

Ông Ngô Văn – Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần – chia sẻ, ngày làm việc của các nhân viên ở trung tâm bắt đầu từ 6 giờ sáng, hầu như không được nghỉ trưa. Ngày bình thường đã bận bịu, Tết về lại phải cố gắng để chăm lo cho các bệnh nhân có được một mùa Xuân mới thật chu toàn.

Các điều dưỡng đang ngồi trò chuyện cùng các bệnh nhân. Ảnh: Đ.V

“Họ cũng giống như mình thôi, chẳng qua là không may gặp những biến cố trong cuộc sống mới vào đây. Dù thu nhập ở trung tâm không cao nhưng các nhân viên ở đây đều gắn bó, bởi họ đã coi trung tâm là nhà, các bệnh nhân là những người thân trong gia đình.

Tết này, ở trung tâm không có bệnh nhân nào ốm đau. Những Tết trước, hễ có người nào đau, các nhân viên ở trung tâm phải thay nhau chăm sóc, canh giữ những bệnh nhân được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Hầu hết nhân viên ở đây ngày Tết cũng không được nghỉ ngơi, công việc vẫn như những ngày bình thường, lại phải trực đêm và lo cho bệnh nhân đón tết nên vất vả hơn nhiều.

Bữa cơm chiều cuối năm của khu bệnh nhân nữ. Ảnh: Đ.V

Trăn trở lớn nhất của trung tâm là làm sao có được một chiếc xe cấp cứu để đưa người bệnh trong những trường hợp khẩn cấp. Mỗi lần đưa người đi cấp cứu là phải gọi xe taxi hoặc chờ xe cấp cứu từ bệnh viện chạy lên. Ngày nắng còn đỡ chứ trời mưa, khó khăn gấp trăm lần vì họ là những bệnh nhân đặc biệt…” – ông Văn trăn trở.

Cánh cổng sắt đóng lại sau cái chào của tôi cũng là lúc tiếng guitar vang lên như làm tan đi cái rét cuối ngày của một năm ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần. Đó là tiếng nhạc của các bệnh nhân đang tập lần cuối để biểu diễn trong đêm giao thừa. Ở một góc khác, hai cây guitar cũng được treo gọn gàng trên vách.

Không hoa mai, hoa cúc. Không chậu quật vàng ươm. Nhưng, nơi này, đang là Tết…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn