MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tương lai của nhiều giáo viên hợp đồng tại Hải Dương đang là bài toán khá đau đầu. Ảnh minh họa: T.V

Giáo viên hợp đồng phập phồng lo việc

VƯƠNG TRẦN LDO | 18/12/2017 11:02
UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản chỉ đạo trả lương cho gần 1.200 giáo viên hợp đồng 3 tháng qua bị chậm lương tại tỉnh này. Tuy nhiên, vấn đề việc làm với những giáo viên này trong thời gian tới còn đang là bài toán rất trăn trở của ngành giáo dục.

Trả lương cho gần 1200 giáo viên hợp đồng

Vừa qua, báo cáo của Sở GDĐT tỉnh Hải Dương cho biết, cả tỉnh hiện nay có 4.056 giáo viên hợp đồng ở tất cả các cấp học, trong đó có 1.191 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay không nhận được lương và có 61 giáo viên xin nghỉ việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do giáo viên chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn, không được trả tiền công từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa được trả lương và thu nhập thấp, bấp bênh.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục Hải Dương, nguyên nhân của tình trạng dẫn đến việc hợp đồng thừa so với định mức chỉ tiêu như năm nay do số lớp học tăng, trong khi giao biên chế từ đầu năm, nhưng đến năm học mới thì lại tăng lên. Ví như năm học 2017-2018, tỉnh Hải Dương tăng 423 lớp học (trong đó tiểu học tăng 222 lớp, mầm non cũng tăng hơn 100 lớp học…). Khi lớp học tăng lên, các cơ sở giáo dục phải ký hợp đồng làm việc nếu không sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh Hải Dương vừa có công văn số 3707/UBND-VP chỉ đạo các sở, ban, ngành thanh toán tiền lương cho tất cả các giáo viên trên trong năm 2017. Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc Sở GDĐT chỉ đạo, rà soát số lao động hợp đồng hiện có chưa được trả lương và phụ cấp, giải quyết dứt điểm việc trả lương và phụ cấp cho giáo viên hợp đồng trong năm 2017.

Vẫn phập phồng lo việc

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Tiến cho hay, theo công văn của tỉnh, 1.191 giáo viên hợp đồng sẽ được thanh toán đầy đủ tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bà Tiến cho biết: Tới đây, việc có ký tiếp hợp đồng làm việc với gần 1200 giáo viên này hay không cũng đang là bài toán khá đau đầu. Bởi việc này phải đảm bảo các quy định của Bộ Tài chính và của Trung ương liên quan đến vấn đề không được ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu, biên chế được giao. Hiện tại, thời gian tới, những giáo viên hợp đồng này có được ký làm việc tiếp không đang là vấn đề rất trăn trở của ngành giáo dục.

“Trên thực tế, những giáo viên hợp đồng hiện nay của tỉnh đều dựa trên những yêu cầu công việc cụ thể của các nhà trường. Nếu chấm dứt hợp đồng với số lao động này, các trường, đặc biệt là mầm non và tiểu học sẽ thiếu giáo viên trầm trọng. Bên cạnh đó, việc không có được việc làm ổn định khiến cho nhiều người bị ảnh hưởng về tâm lý và lo lắng. Hiện, quy mô học sinh đang tăng lên mà các đơn vị lại phải thực hiện việc tinh giản biên chế, do đó việc quyết định có ký tiếp hợp đồng hay không đang phải rà soát lại theo yêu cầu.” - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hải Dương nói.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương - cho biết: Quan điểm của tỉnh, giáo dục là một trong những lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhưng bên cạnh đó cũng phải rà soát lại những trường hợp các trường cố tình lợi dụng việc kí hợp đồng lao động vượt mức định biên. Sắp tới, các đơn vị chức năng sẽ rà soát và quản lý một cách chặt chẽ hơn nữa, sắp xếp lại nhân lực sao cho tiết kiệm nhất. Đồng thời, sẽ điều chuyển, phân phối giáo viên từ nơi dôi dư về nơi thiếu tại các huyện. Tỉnh cũng rất kiên quyết trong việc thực hiện nghiêm các quy định về tinh giản biên chế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn