MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô trò trường Mầm non Kim Chung A (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Bảo Hân - Trần Kiều

Giáo viên mầm non khu công nghiệp: Mong có thêm thu nhập để gắn bó với nghề

Bảo Hân - Trần Kiều LDO | 12/09/2020 10:00
Hiện nay, thu nhập của giáo viên mầm non trong các khu công nghiệp còn thấp, khiến cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. Đa số giáo viên đều mong muốn cải thiện về tiền lương cũng như có thêm các chính sách hỗ trợ để nâng cao thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề.

Đến sớm, về muộn

Như nhiều giáo viên mầm non khác của Trường Mầm non Kim Chung A (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) - ngôi trường đang có nhiều con em công nhân (CN) theo học, cô giáo Trần Thị Hồng Huế phải có mặt tại trường từ 6h45’.

Sau khi mở cửa lớp cho thông thoáng, dọn vệ sinh, quét dọn lớp, giặt khăn mặt, lau các giá đồ chơi, lau cửa ra vào bằng dung dịch sát khuẩn… đến khoảng 7h15’, cô Huế có mặt ở cửa lớp học để đón các cháu. Cô Huế đảm nhiệm luôn việc đo nhiệt độ cho các cháu, ghi vào sổ để phòng chống dịch COVID-19. Trong khi cô Huế đón các cháu, một giáo viên khác sẽ chuẩn bị cho các cháu chơi thành từng nhóm nhỏ.

Tiếp theo, các cháu sẽ được các cô hướng dẫn tập thể dục trong lớp, đi vệ sinh, rồi ngồi ổn định theo tổ, điểm danh để báo suất ăn cho nhà bếp và suất dùng sữa học đường… Dạy học xong, các cô lại hỗ trợ cho các cháu đi vệ sinh, đưa các cháu tham gia các hoạt động ngoài trời…

Rất nhiều công việc không tên liên tục cuốn cô Huế và các giáo viên khác, hầu như không ngơi nghỉ chân tay. Đến trưa, các cô thay phiên nhau ăn và ngủ vì phải cắt cử người trông coi các cháu nhỏ ăn, ngủ. “Bình thường, giáo viên được nghỉ 30 phút, nhưng trong thời gian này, chúng tôi đều tranh thủ làm đồ chơi cho các cháu” - cô Huế chia sẻ.

Buổi chiều, các hoạt động dạy, chăm sóc các cháu (lớp cô Huế dạy có 35 cháu) tiếp tục diễn ra. Khoảng 17 giờ, sau khi trả trẻ xong, cô Huế cùng với các giáo viên khác vẫn chưa về vì còn phải chuẩn bị đồ dùng học tập và đồ vui chơi cho trẻ vào hôm sau. Phải đến 18 giờ, cô Huế mới rời khỏi trường để về nhà lo cho gia đình mình.

Không chỉ vậy, vào chiều thứ 2 hằng tuần, cô Huế cùng các giáo viên khác phải dọn dẹp, nhặt lá, cỏ, lau chùi đồ chơi ở khu vui chơi của các cháu ở ngoài trời.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư, cô Huế đã theo nghề trông trẻ từ năm 2008. Hiện nay, gia đình cô Huế đang ở cùng bà nội, chưa dám nghĩ đến mua nhà riêng. Hỏi về thu nhập, cô Huế tâm sự: “Ngoài mức lương theo quy định của nhà nước, giáo viên còn được hưởng thêm tiền trông bán trú. Mức thu nhập hiện nay của tôi, cộng với thu nhập của chồng (làm CN trong KCN), mới tạm đủ để trang trải mọi sinh hoạt cho cả gia đình. Tôi mong nhà nước có chính sách cải thiện về tiền lương đối với giáo viên mầm non”.

Đồng nghiệp của cô Huế là cô Trần Thị Thu Ngân (SN 1985) đã có 15 năm kinh nghiệm trong nghề, luôn gắn liền với những vất vả mà ít ai có thể thấu hiểu. Một ngày làm việc tại trường của cô Ngân luôn luôn bắt đầu sớm hơn giờ quy định khoảng 30 phút. Khi chưa chuyển về Trường Mầm non Kim Chung A, hằng ngày, cô Ngân phải di chuyển 9km để đến trường.

“Vì tính chất công việc của một giáo viên mầm non, hằng ngày, tôi phải đến trường sớm hơn để vệ sinh lớp và chuẩn bị dụng cụ học tập cho buổi học. Thời gian đó, các con của tôi còn khá nhỏ. Lúc các con còn ngủ, tôi đã rời nhà đi làm, chiều lại về muộn nên không chăm sóc được cho các con nhiều. Nghĩ thấy tội cho các con, nhưng nhiều hôm tan trường về nhà, toàn thân mệt rã rời, tôi chẳng thể làm được gì nhiều hơn” - cô Ngân cho hay.

“Mất giọng, viêm thanh quản hay việm họng hạt là chuyện bình thường đối với giáo viên mầm non” - cô Ngân cười xoà. Cũng do đặc thù lớp chủ yếu là con của CN nên nhiều hôm, cô Ngân phải ở lại trường muộn hơn, đợi khi nào phụ huynh đến đón hết trẻ thì mới rời trường về nhà.

Phải có tình yêu với trẻ thì mới hoàn thành tốt công việc

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Kim Thoa - Hiệu trưởng trường Mầm non Kim Chung A - cho biết, hiện nay trường có 72 cán bộ nhân viên, trong đó có 49 giáo viên. “Các giáo viên ngoài việc soạn giảng, tổ chức các hoạt động dạy cho các cháu như các cấp học khác thì phải làm thêm các nhiệm vụ theo quy định, như: Đón trẻ từ sớm, cho các cháu ăn, thay đồ… Việc chăm sóc trẻ rất vất vả vì mỗi cháu có một sở thích, cá tính riêng. Giáo viên phải có tình yêu thương trẻ mới có thể hoàn thành tốt được công việc”- bà Thoa cho hay.

Cũng theo bà Thoa, ngoài khoản lương theo quy định, giáo viên mầm non còn có thêm thu nhập từ trông trẻ bán trú, mức hơn 1 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của những giáo viên mầm non mới vào nghề khoảng 5 triệu đồng/tháng, giáo viên lâu năm được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trước đây, trường có 2 giáo viên hợp đồng đã bỏ việc vì mức lương thấp, nhà trường không giữ chân họ được.

Bà Thoa nói rằng, giáo viên mầm non nói chung là vất vả, giáo viên mầm non tại KCN còn vất vả hơn vì bố mẹ các học sinh là CN, phải làm ca kíp…

Bà Nguyễn Kim Thoa đề nghị bổ sung vị trí việc làm là nhân viên quét dọn tạp vụ tại trường mầm non vào trong Thông tư liên tịch số 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ. “Môi trường lớp học luôn phải sạch sẽ, tạo môi trường thân thiện an toàn cho các cháu. Môi trường ở ngoài trời cũng rất quan trọng vì nhiều hoạt động vui chơi của các cháu diễn ra ở đây. Tuy nhiên, hiện nay ở mầm non chưa có vị trí việc làm là nhân viên quét dọn tạp vụ như các cấp học khác. Việc quét dọn, lau chùi ở các khu ngoài trời đều do giáo viên mầm non thực hiện mà không có thù lao, chỉ được đưa vào công tác thi đua khen thưởng. Nếu nhà trường muốn thuê nhân viên ở ngoài thì phải tự bỏ tiền thuê. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vị trí việc làm là nhân viên tạp vụ để đỡ đi phần nào vất vả cho giáo viên mầm non” - bà Thoa nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa - giáo viên Trường Mẫu giáo tư thục Chuông Vàng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) - chia sẻ, dù phải làm nhiều việc khi trông trẻ, nhưng “nếu yêu các cháu thì sẽ cảm thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”.

“Trang trải cho cả gia đình chủ yếu là từ thu nhập của chồng. Thu nhập của nghề giáo viên mầm non còn thấp, nếu lương cao hơn một chút nữa thì tôi nghĩ sẽ có nhiều người muốn gắn bó với nghề hơn”- cô Thoa nói.

Vì vậy, khi nghe đến chính sách hỗ trợ tiền cho giáo viên mầm non dân lập, tư thục, cô Thoa rất vui và mong chính sách này mau đến được với giáo viên mầm non tư thục như cô để bớt đi phần nào khó khăn, vất vả trong cuộc sống, thêm yên tâm, gắn bó với nghề.

Quế Chi - Tú Quỳnh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn