MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên muốn nghề của mình được vào danh mục nghề nặng nhọc. Ảnh HN

Giáo viên mong được công nhận là nghề nặng nhọc để nghỉ hưu sớm

Quỳnh Thư LDO | 24/11/2020 18:49
Vẫn còn những băn khoăn về đối tượng nghỉ hưu sớm, trong đó có các giáo viên, nhất là giáo viên mầm non mong được nghỉ hưu sớm nhưng chưa được nêu rõ trong Nghị định 135/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5.12.2020.

Mong nghỉ hưu sớm

Gần đây nhiều người có nhu cầu được nghỉ hưu sớm, nhất là những người lao động trực tiếp, đủ năm đóng bảo hiểm lại đang ở trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm. Một số đối tượng khác cũng có mong mỏi này là các giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

Chị Trần Thị Khuyên- một bạn đọc của Lao Động chia sẻ: “Rất mong các cơ quan nhà nước, quan tâm đến giáo viên mầm non, Cho giáo viên mầm non về hưu sớm từ tuổi năm mươi, vì nghề này chăm sóc trẻ rất cực nhọc nên không đủ sức để làm việc lúc tuổi đã quá năm mươi là không làm được. Một giáo viên già năm mươi mà phải dậy tới 20 học sinh thì quá là nặng nhọc, chăm cho ăn cho ngủ, phải dậy phải soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, sáng đi làm từ 6h- chiều 6h tối mới về đến nhà...rất là cực khổ nên mong nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho giáo viên về hưu sớm trước tuổi năm mươi hoặc tuổi năm mươi. Xin quan tâm thời gian đóng bảo hiểm xã hội của giáo viên mầm non không đủ 20 năm mà đã 50 tuổi thì cho chúng em được hưởng lương hưu hàng sau khi về hưu sẽ bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội vì tuổi 50 không còn đủ sức để đảm nhận công tác nuôi dạy trẻ”.

Còn giáo viên Trịnh Kim Tiến bày tỏ: “Rất mong chính phủ xem xét và giải quyết cho giáo viên Nam ở bậc Tiểu học 50 tuổi trở lên là cho nghỉ hưu trước tuổi vì ở độ tuổi này giáo viên Nam không bao giờ dạy được lớp 1.Đặc biệt là dạy chương trình mới của lớp 1”.

Điều đáng nói là Nghị định 135/2020 không quy định cụ thể giáo viên có được nghỉ hưu sớm.

Ngoài những trường hợp hợp nghỉ hưu ở điều kiện lao động bình thường, Nghị định 135/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ hơn việc nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại thời điểm nghỉ hưu: Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021; Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Người lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021.

Điều này nghĩa là các giáo viên muốn nghỉ hưu sớm thì phải đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021. Hoặc, chứng minh được mình bị suy giảm lao động từ 61% trở lên.

Cần đưa nghề giáo viên vào danh mục công việc nặng nhọc?

Thông tư số 15/2016/TT-BLĐ ban hành ngày 28.06.2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định danh mục nghề nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm lại không có nghề giáo viên.

Về vấn đề này, hồi tháng 6, khi khi góp ý dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất đưa giáo viên mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc.

Đề xuất này của Tổng LĐLĐ Việt Nam được đại diện ngành giáo dục là ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam ủng hộ. Ông Ân dẫn khảo sát nhanh trên gần 10.700 giáo viên mầm non trong một tuần, 96% giáo viên đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như cũ. Theo phân tích, từ 55 tuổi trở đi, giáo viên mầm non bị hạn chế khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy thị phạm học sinh. Chương trình giáo dục mầm non không chỉ bó hẹp ở chăm trẻ, còn phải đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi.

Ngoài ra, định mức quy định và thực tế giờ làm việc của giáo viên mầm non khoảng 10 tiếng mỗi ngày. "Các cô phải lao đến trường lúc 6h sáng và 6h tối mới trở về. Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe giảm sút nhanh, nghiêm trọng theo thời gian".

Theo thống kê năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bậc mầm non có hơn 421.000 người lao động, trong đó 322.00 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Năm 2018, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp trên 379 giáo viên mầm non, kết quả gần 34% bị khó thở đau tức ngực; 30% ho khan tiếng; gần 69% stress nghề nghiệp và 49% giảm thị lực...

Vì thế, cần có nghiên cứu sâu hơn để giáo viên, nhất là giáo viên mầm non vào danh mục công việc nặng nhọc thì sau 15 năm đứng lớp có thể được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định tại Nghị định 135/2020 cũng như Luật Lao Động 2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn