MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên ở huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đón học sinh trở lại trường sau bão số 13. Ảnh: HT

Giáo viên vùng lũ: Mỗi người một tay để học sinh sớm đến trường

nhóm phóng viên LDO | 18/11/2020 08:11
Ngày 20.11 đến gần, các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị tiếp tục lĩnh thêm hậu quả do cơn bão số 13 (ngày 15.11) gây ra. Trước đó, hậu quả do bão lũ trong tháng 10 vẫn còn ngổn ngang, chưa khắc phục hết được. Nên Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 này, các trường học ở vùng lũ, từ đồng bằng đến miền núi sẽ không tổ chức rình rang như những năm học trước, mà dồn lực để làm sao đến giờ học là trống trường lại vang lên, học sinh lại đến trường.

Ngày 20 tháng 11… tính sau

2 ngày sau khi bão số 13 quét qua, Trường Tiểu học Phú Thuận (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) mới cơ bản dọn dẹp xong những đống bêtông đổ nát và cây cối ngã rạp xung quanh trường. Tuy nhiên, giáo viên chỉ khắc phục được những thiệt hại trong tầm tay, còn 4 phòng học bị tốc mái hoàn toàn và những đồ dùng của học sinh đã hư hỏng thì “cần có thời gian”.

Ông Đỗ Viết Đề - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thuận - chỉ tay vào dãy phòng học chỉ còn bộ khung bằng bêtông và lắc đầu rằng, việc lợp lại mái nhà cần có kinh phí và có tay nghề, chứ nếu làm được thì giáo viên cũng leo lên đó rồi.

“Được sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng địa phương kèm với công sức của các thầy cô giáo, nhà trường sẽ cố gắng khắc phục thiệt hại và tạo điều kiện để các em học sinh đến trường một cách nhanh nhất. Để kịp chương trình, trường dự định vừa tổ chức cho học sinh trở lại học vừa khắc phục hậu quả” - ông Đỗ Viết Đề nói.

Cũng bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ, cơ sở vật chất của Trường Mầm non Sao Mai 2 (thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị nước lũ nhấn chìm khiến tất cả vật dụng như bàn ghế, bảng, các giá đựng đồ chơi, ghế nằm của học sinh, phòng học đều ngập trong bùn non. Mái hiên che mưa che nắng của ngôi trường này cũng đã sập hoàn toàn.

Chúng tôi ghé Trường Mầm non Sao Mai 2 vào dịp bão số 6, rồi bão số 9, bây giờ là bão số 13, lần nào cũng gặp cảnh giáo viên cầm chổi quét bùn ở các phòng học. Bà Đỗ Thị Cẩm Nhung - Hiệu Trưởng Trường Mầm non Sao Mai 2 - nói rằng, vật dụng ở đây gần như hư hỏng hoàn toàn. 3 ngày nay, trường đã huy động 29 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường dọn dẹp. Dọn đến đâu, thấy cái gì còn tận dụng được thì giữ lại, hư hỏng rồi mà sửa sang lại được thì để đó sửa, còn không thì vứt đi, tìm cách bù đắp lại sau. “Làm sao để trường lớp sạch sẽ, an toàn cho học sinh trở lại trường sớm. Đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất vào lúc này” - bà Nhung chia sẻ.

Hỏi ông Đỗ Viết Đề và bà Đỗ Thị Cẩm Nhung về ngày 20.11 tới đây, ai cũng gạt phăng đi mà nói, bây giờ chỉ nghĩ làm sao việc dạy, việc học sớm trở lại, còn kỷ niệm 20.11 thì… tính sau.

Không phải dọn bùn, không đóng cửa trường là mừng rồi

Từ đầu tháng 11 này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Trị đã chia làm nhiều đoàn ghé động viên, tặng quà cho các trường học ở 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và các huyện đồng bằng như Hải Lăng, Triệu Phong. Trước ngày 20.11, sở này có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan, thông báo việc sẽ không tổ chức tiếp khách, nhận hoa chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Mọi năm, vào ngày này, ở Văn phòng Sở tấp nập người đến cùng những lẵng hoa cùng lời chúc, nhưng năm nay dịch bệnh COVID-19 và bão lũ dồn dập, giáo viên và học sinh vùng lũ đang căng mình để được đến trường, thì hoa cùng lời chúc dịp này không còn ý nghĩa nữa.

“Tôi chỉ nghĩ rằng, cần nhiều thời gian và rất cần thiết có mặt ở các vùng bị ảnh hưởng nặng bởi bão lũ để nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên. Có đến đó rồi, mới biết thực tế khó khăn để mà đề xuất, đáp ứng những đề xuất với mục đích làm sao sớm khắc phục được thiệt hại. Chúng tôi không tiếp khách, không nhận hoa vào ngày 20.11 này, nhưng lãnh đạo sở sẽ có những món quà gửi đến các cán bộ, giáo viên ở những nơi khó khăn” - bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết.

Sở GDĐT tỉnh dẹp ngày 20.11 sang một bên để hướng về nơi bị ảnh hưởng bởi bão lũ, vậy các trường ở vùng lũ Quảng Trị ra sao? Chúng tôi lại ghé Trường Mầm non Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) sau khi bão số 13 gây ảnh hưởng. Trời nắng đẹp, khô ráo nên đường đến điểm trường Cu Dong của Trường Mầm non Húc đi lại khá thuận lợi. Hôm nghe dự báo bão số 13, giáo viên ở trường ai cũng tái mặt, vì vất vả lắm mới dọn dẹp cơ bản bùn đất ở điểm Cu Dong, học sinh mới đi học lại được 1 tuần.

“2 lần trước, trường phải nhờ thêm phụ huynh mới giải phóng được cả đống đất bùn và cây gỗ ở sân trường. Chỉ lo dọn tiếp lần 3, giáo viên ở trường cũng kiệt sức” - bà Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc, cho hay.

Bây giờ, ở điểm trường Cu Dong, hàng rào thì bị lũ cuốn, sân trường bị vỡ nham nhở, đồ chơi cho trẻ cũng sứt sẹo, hư hỏng. Bà Nguyễn Thị Hà nói rằng, ngày 20.11 mọi năm đều tổ chức văn nghệ chào mừng, tọa đàm, rồi tặng quà cho những giáo viên có thành tích trong đợt thi đua. Còn năm nay, không có hoạt động văn nghệ gì cả. Trường và giáo viên tập trung cho việc khắc phục, việc gì tự làm được thì vận động phụ huynh cùng giáo viên làm, không đủ sức thì đi vận động các đơn vị hảo tâm và tranh thủ sự ủng hộ của bộ đội biên phòng, các đoàn thể, chính quyền.

“Ước mơ của ngày 20.11 năm nay là giáo viên không phải đi dọn bùn và trường không phải đóng cửa” - bà Nguyễn Thị Hà nói vội rồi chạy cùng các cô ra đón các cháu đã trở lại trường buổi đầu tiên kể từ ngày mưa bão đến giờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn