MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cứ đến mùa bế giảng là lại đến mùa bố mẹ khoe giấy khen của con lên mạng xã hội.

Giấy khen không có lỗi

HUYÊN NGUYỄN LDO | 03/08/2020 06:50
Khi giấy khen bị lạm phát, không phản ánh đúng năng lực học tập, quá trình rèn luyện của học sinh, việc khen thưởng không còn mang nhiều ý nghĩa thì điều này lại dễ dàng trở thành một sự lãng phí.

Hệ lụy của đánh giá theo kiểm đếm kết quả, giải thưởng

Bày tỏ quan điểm về hiện tượng “phổ cập” giấy khen ở nhiều trường học hiện nay, PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng Khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - khẳng định, nguồn gốc của vấn đề vẫn là tư tưởng bệnh thành tích trong giáo dục còn nặng nề.

Vị chuyên gia này cũng trăn trở khi dẫn lại kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam được công bố năm 2019 đưa ra những con số đáng suy ngẫm về bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay. Theo đó, 73% học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh và giáo viên được hỏi khẳng định có biểu hiện gian dối trong học tập cốt để có thành tích cao ở học sinh. Hơn 48% ý kiến đồng ý với việc học sinh nhờ can thiệp làm đẹp học bạ, hồ sơ để được khen thưởng hoặc được lên lớp. Đặc biệt, kết quả phỏng vấn học sinh, sinh viên cho thấy, các em quá chú trọng các kỳ thi để lấy điểm số cao mà chưa chú tâm nhiều tới kiến thức mình thu nạp được.

Đối với giáo viên, gần 38% đối tượng được khảo sát cho rằng, giáo viên thiếu trung thực trong đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp mình dạy/chủ nhiệm để được nhà trường công nhận danh hiệu thi đua. Gần 65% chuyên gia đánh giá biểu hiện này ở giáo viên là tương đối phổ biến và phổ biến. Đáng chú ý, tới 40% giáo viên, giảng viên né tránh không trả lời hai câu hỏi này.

Theo ông Trần Thành Nam, hiện nay, cộng đồng vẫn nặng tư tưởng học để thi, phản ánh kết quả qua điểm số. Phong trào thi đua còn nặng về hình thức, thành tích, quy định đánh giá giáo viên, giảng viên, nhà trường cũng liên quan đến thành tích đạt được của người học. Cách thức áp chỉ tiêu định lượng một cách khô cứng khiến căn bệnh thành tích ngày càng khó chữa. Hệ quả sau đó là lạm phát, lãng phí khen thưởng.

“Việc đánh giá theo kiểm đếm kết quả, giải thưởng… “ép” học sinh, giáo viên phải đạt kết quả đó mà không chú trọng chất lượng thực sự như thế nào. Đôi khi nó làm cho mọi người phải chạy theo cuộc đua mặc dù ai cũng hiểu năng lực thực sự của con người mới giúp đem đến những thành công trong cuộc sống. Hậu quả là chúng ta dần đánh mất niềm tin của xã hội vào các bằng cấp và giá trị của điểm số” - PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Đặc biệt, việc khen thưởng không đúng sẽ khiến học sinh có thể ngộ nhận về khả năng, sức học của mình. Khi một lớp có quá nhiều học sinh được khen thưởng, những em không được nhận lại trở thành “cá biệt”, trở nên dễ bị tổn thương.

Quan trọng là cách khen

Bàn về lợi ích của khen thưởng, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) - chia sẻ: Việc đánh giá, khen thưởng học sinh không chỉ đơn giản là trao một tấm giấy khen. Quan trọng hơn, cần biến những tờ giấy khen đó thành động lực khích lệ giúp học sinh phấn đấu nhiều hơn trong học tập và rèn luyện, động viên những học sinh khác nhìn vào đó phấn đấu, noi gương.

Ông Phú cũng cho biết, trong quá trình đổi mới đánh giá học sinh, việc để đạt học sinh tiên tiến, học giỏi không khó, đặc biệt là có sự khen thưởng nhiều mặt của học sinh như giỏi 1 môn học nào đó, phong trào trong nhà trường cũng sẽ tạo nên niềm vui cho những học sinh được ghi nhận đúng. Tuy nhiên, phải khen đúng chứ không phải vì số lượng, thành tích.

“Chúng ta cần nhìn vào mặt tích cực của cách thức đánh giá, khen thưởng học sinh mới để tạo động lực cho sự phát triển. Ngành Giáo dục cũng cần truyền thông về cách thức đánh giá mới để xã hội cùng hiểu. Tuy nhiên, điều chúng ta lo ngại là không ít trường học, giáo viên vì thành tích mà khen thưởng không đúng với năng lực của học sinh” - ông Phú cho hay.

Với kinh nghiệm nhiều năm đi dạy, cô giáo Phạm Thái Lê - giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) - luôn đưa ra lời khen kịp thời, đúng cho học trò. Cô cho rằng, không nên tiết chế lời khen đối với trẻ. Nhưng việc quá nhiều giấy khen như hiện nay là điều đáng để suy ngẫm.

Dù vậy, nữ giáo viên cũng cho rằng, lỗi không phải ở những tấm giấy khen. “Có ý kiến đề xuất nên chăng bỏ giấy khen. Tôi nghĩ thay vì bỏ, hãy trả lại giá trị thực cho nó. Giấy khen phải được ghi nhận đúng thực lực của đứa trẻ, để mọi người hiểu và tôn trọng. Chúng ta cần có nhiều hình thức khen khác nhau. Ví dụ, thư khen hay giấy khen cũng cần chú trọng ghi nhận sự tiến bộ của đứa trẻ so với chính bản thân chúng” - nữ giáo viên chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn