MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET. Ảnh: Cao Nguyên

Giấy phép lái xe PET bị gãy, hỏng có tích hợp được vào VNEID?

Xuyên Đông LDO | 09/09/2023 11:50

Nhiều người thắc mắc việc giấy phép lái xe ôtô bằng vật liệu PET bị gãy, hỏng có tích hợp được vào VNEID không?

Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BGTVT ngày 9.6.2022 về Thông tư Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ quy định trường hợp người có giấy phép lái xe của ngành giao thông vận tải cấp bị hỏng phải cấp lại giấy phép lái xe.

Như vậy với trường hợp giấy phép lái xe bằng vật liệu PET bị hỏng, gãy, người dân phải thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe mới có thể tích hợp VNEID.

Về hồ sơ thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe, Cục Đường bộ hướng dẫn, bao gồm:

Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe;

Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định;

Bản sao chụp giấy phép lái xe;

2 ảnh màu cỡ 3x4 kiểu chứng minh thư, nền ảnh màu xanh;

Có thể chụp ảnh trực tiếp tại nơi tiếp nhận hồ sơ.

Khi nộp hồ sơ thủ tục đề nghị đổi giấy phép lái xe, phải xuất trình giấy phép lái xe, giấy căn cước công dân hoặc hộ chiếu để đối chiếu.

Lệ phí cấp đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng.

Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết thêm, trường hợp hỏng giấy phép lái xe mà người dân không đổi lại có thể đối mặt với rủi ro pháp lý.

Cụ thể, nếu không đổi giấy phép lái xe mà tham gia giao thông, bị người có thẩm quyền kiểm tra, nếu giấy phép lái xe bị nhòe ảnh không xác minh được, chủ sở hữu của giấy phép lái xe đó thì người dân có thể bị phạt với lỗi không có giấy phép lái xe.

Về mức phạt không có giấy phép lái xe như sau:

Mức phạt lỗi không có giấy phép lái xe với xe máy:

Người điều khiển xe môtô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe môtô mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Người điều khiển xe môtô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe môtô ba bánh mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

(Điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Mức phạt lỗi không có bằng lái xe với xe ôtô:

Người điều khiển xe ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ôtô mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn