MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ nghiện game có thể dẫn đến nhiều hệ quả đau lòng. Ảnh: Trần Tuấn

Giết người xuất phát từ nghiện game: Vai trò của gia đình ở đâu?

Lê Phương LDO | 25/06/2020 10:02
Liên quan đến tình trạng phạm tội do nghiện game trong giới trẻ, đặc biệt là hiện tượng trẻ hóa trong nhóm đối tượng này, PGS-TS Trịnh Hòa Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, dù việc quan tâm giáo dục và chăm sóc trẻ em cần sự tổng hòa, phối hợp của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhưng vai trò của gia đình vẫn là quan trọng nhất.

Gần đây, tội phạm có xu hướng trẻ hoá trong đó có không ít trường hợp trẻ vị thành niên phạm tội giết người do nghiện game, hành động vì những ảo tưởng từ game. Ông có đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

- Đây vẫn là câu chuyện người lớn chưa để mắt nhiều đến trẻ con, để trẻ con tiếp cận thường xuyên, dài ngày trong môi trường bạo lực, thậm chí thác loạn rồi ảnh hưởng đến cách ứng xử của trẻ. Cũng do tiếp xúc nhiều nên trẻ thấy những hành vi xấu lại không có gì ghê gớm.

Thực tế, hành vi xấu trẻ thực hành lại là hành vi bắt chước - đây là một trong những thao tác rất quan trọng của con người. Khi con người ta có đủ văn hóa, nền tảng văn hóa đủ lớn để khống chế, kiềm chế những kỹ năng, hành vi, ý nghĩ có tính chất xấu xí. Bản chất cha mẹ đã lơi lỏng, để sổng trẻ em.

Dù muốn dù không, chuyện game bạo lực, hành xử xã hội giai đoạn chuyển đổi đầy biến động sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ. Không có gì ngạc nhiên về chuyện tội phạm vị thành niên gia tăng, trẻ hóa,...

Ngoài lỗi của cha mẹ, phần lỗi của nhà trường, của xã hội như thế nào? Chúng ta đã làm gì để trẻ thành như vậy?

- Chúng ta nói nhiều đến chuyện đổi mới giáo dục nhưng thực tế nhà trường vẫn chưa làm được hết trách nhiệm. Giờ nói đến nhà trường, chúng ta vẫn nghĩ đến chuyện trả bài, tạo áp lực chứ không phải dạy chữ, dạy người và thầy cô giáo cũng không còn thời gian, sức lực để quan tâm đầy đủ đến trò.

Ở bình diện nào đấy, giáo dục ở nhà trường chỉ là hoạt động có tính chất nghề nghiệp đã được chuyên môn hóa, chuyên biệt hóa cao độ. Tôi thấy rất ít nhà trường có triết lý giáo dục nhân văn với mục tiêu quan tâm trẻ, không tạo áp lực,... hầu như đều hướng đến mục tiêu nhà trường tốt, học trò răm rắp làm theo,... Người ta vẫn duy trì giáo dục một chiều.

Xã hội lâu nay vẫn hô hào dành tất cả sự quan tâm cho trẻ, trẻ em là trung tâm,... nhưng thực tế vẫn chỉ là khẩu hiệu. Xã hội vẫn chạy theo vòng quay của tăng trưởng, phát triển chứ không phải là thật sự coi trọng các vấn đề xã hội trong đó có vấn đề trẻ em.

Theo ông, giải pháp sẽ là gì: Đưa trẻ đến các trung tâm cai nghiện game, bố mẹ phải "rắn" hơn hay tăng cường sự giám sát đồng bộ cả gia đình, nhà trường và xã hội?

- Phải áp dụng tất cả các yếu tố. Chúng ta có thể đưa trẻ đến các trung tâm cai nghiện game nhưng đây là tình huống chỉ dành cho các trường hợp cấp tính.

Để bền vững hơn, sâu rộng hơn, phải tính đến chuyện của các gia đình, cha mẹ phải để mắt đến con và các thiết chế liên quan. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là gia đình. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ hiện đang căng thẳng vì vòng quay mưu sinh, đây cũng là một khó khăn. Vì thế, chúng ta phải làm tốt công tác vận động xã hội để có sự quan tâm thực sự đến trẻ em.

Xin cảm ơn ông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn