MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gìn giữ làng nghề dệt đũi Nam Cao gần 400 năm tuổi

Lương Hà LDO | 19/02/2023 09:12

Thái Bình - Hình thành từ hơn 400 năm về trước, có những khoảng thời gian tưởng như làng nghề dệt đũi truyền thống Nam Cao đã dần rơi vào quên lãng. Nhưng những nghệ nhân lành nghề với kinh nghiệm nhiều năm nơi đây vẫn nuôi hy vọng, quyết tâm bám trụ để nghề làm đũi lụa không mai một.

This browser does not support the video element.

Video quy trình dệt đũi Nam Cao bằng phương pháp thủ công. Video: Lương Hà

Theo các cụ cao niên trong xã, nghề dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) được hình thành từ gần 400 năm trước đây.

Trước kia, đũi Nam Cao nổi tiếng khắp cả nước nhờ sự độc đáo. Đó là những sản phẩm được làm thủ công với rất nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu tới khi thành thành phẩm đòi hỏi sự công phu, cần mẫn, tỉ mỉ, trau chuốt từng chút một của người nghệ nhân.

Ông Đại kiểm tra chất lượng tơ trước khi cho vào dệt. Ảnh: Lương Hà

Là cơ sở dệt đũi Nam Cao vẫn còn lưu giữ từ đời cha ông để lại, ông Nguyễn Đình Đại (68 tuổi, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ: "Gắn bó với nghề từ trong bụng mẹ, nghe tiếng khung cửi đã thành âm thanh thay cho lời ru, hơn ai hết, tôi hiểu rõ những thăng trầm làng nghề dệt đũi Nam Cao những năm qua. 

Theo ông Đại, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, người dân dệt đũi không còn nhiều, đến giờ trong làng cũng chỉ còn vài hộ vẫn giữ khung dệt, có việc thì lại tranh thủ làm. Ngoài nhà ông thì cũng còn khoảng 2 hộ cơ sở vẫn giữ nghề, mưu sinh bằng nghề dệt truyền thống.

 Những chiếc khăn thành phẩm được dệt tỉ mỉ, khéo léo. Ảnh: Lương Hà

Ông Đại kể, các sản phẩm đũi của Nam Cao chủ yếu sử dụng khung dệt thủ công, đến giờ hiện đại hơn được lắp thêm mô tơ chạy bằng điện, mỗi khung dệt đều có tuổi đời hàng vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm tuổi.

Gần đây, cũng nhờ có động lực từ gia đình cậu con trai út nên ông Đại hướng tới xây dựng lại xưởng dệt, phát triển hơn để giới thiệu về sản phẩm đũi Nam Cao, góp phần tạo nên những chiếc áo dài, áo vest thời trang chất lượng tốt từ chất lượng đũi tơ tằm.

 Tuỳ vào từng sản phẩm, nghệ nhân dệt sẽ cọn những loại tơ khác nhau. Ảnh: Lương Hà

"Trước giờ, nhà tôi xuất khẩu đũi mấy chục năm nay chủ yếu là thị trường Thái Lan, vừa được giá, lại hợp chất lượng. Hơn thế nữa, cậu con trai tôi cũng là người am hiểu về văn hóa, ngôn ngữ Thái Lan nên đó cũng là lợi thế để tôi có thể giữ gìn, không để nghề bị mai một" - đôi mắt ánh lên niềm hy vọng, ông Đại kể.

Nằm trong số ít hộ vẫn chọn nghề dệt là nghề chính mang lại nguồn thu nhập cho cả gia đình, với hơn 10 khung dệt vẫn được hoạt động hàng ngày, ông Nguyễn Duy Tư (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương) - cho biết: "Cũng may nhờ nguồn xuất khẩu của gia đình duy trì suốt nhiều năm, nhà tôi chỉ việc nhận nguyên liệu, thực hiện công việc dệt thành phẩm là có đơn vị đến lấy hàng. Thêm vào đó, cũng hỗ trợ, tạo việc làm cho mọi người trong xóm, có thêm thu nhập ổn định nên vẫn yên tâm gắn bó với nghề."

 Chiếc khung cửi được gia đình ông Tư sử dụng bằng cả 2 phương pháp thủ công và hiệln đại. Ảnh: Lương Hà

"Với những người làm dệt lâu năm như chúng tôi chỉ mong nguồn nguyên liệu dồi dào hơn, đầu ra thuận lợi để bà con có thêm kinh tế và lại tiếp tục trở lại sáng tạo, phát triển làng nghề" - ông Tư nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn