MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giới trẻ “nhảy việc” sau Tết dù chưa có phương án dự phòng

Phùng Nhung LDO | 07/02/2023 11:34

Trước tình hình nhiều công ty cắt giảm nhân sự, cho thôi việc hàng loạt, nhiều bạn trẻ không sợ “bão sa thải" mà quyết định “nhảy việc" ngay sau Tết dù chưa có phương án tiếp theo.

Chỉ đợi hết Tết để nghỉ việc

Ngay sau Tết, Nguyễn Thanh Vân (27 tuổi, Thái Nguyên) làm việc trong lĩnh vực truyền thông quyết định viết đơn xin nghỉ việc. Trước đó, bạn trẻ đã lên kế hoạch nghỉ việc từ tháng 11.2022, tuy nhiên do cần tiền thưởng Tết nên Vân gắng làm nốt những tháng cuối năm.

“Gắn bó với công ty cũ 2 năm, nhưng công việc này không còn phù hợp với định hướng phát triển của bản thân. Mỗi ngày đi làm mình không còn cảm thấy hứng thú và yêu thích công việc. Vì vậy, mình quyết định tìm một nơi khác để có cảm hứng cống hiến và sáng tạo" - Thanh Vân tâm sự.

Không chỉ muốn “nhảy việc", Vân còn dự định thay đổi môi trường sống. Cô nàng dự định chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh để sinh sống, làm việc. Đây là môi trường năng động, có nhiều cơ hội việc làm với những người trẻ như Vân. Mặc dù chưa có kế hoạch, định hướng cho công việc tiếp theo nhưng Thanh Vân vẫn cảm thấy vui và hào hứng với quyết định của mình.

Thanh Vân chưa tìm được công việc phù hợp nhưng vẫn quyết định "nhảy việc". Ảnh: Nhân vật cung cấp

Còn đối với Lưu Quang Lộc (22 tuổi, Hà Nội) - nhân viên văn phòng, quyết định nghỉ việc do mức lương không đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Lộc cần tìm kiếm một công việc có mức đãi ngộ cao hơn, phù hợp với năng lực và định hướng phát triển bản thân. Vì còn trẻ nên công việc văn phòng khá tẻ nhạt, Lộc muốn hướng tới những công việc năng động và ưu tiên sự di chuyển nhiều.

Lộc cho biết, bản thân không sợ “bão" nghỉ việc, bởi sau Tết rất nhiều nhân sự chuyển việc nên các công ty cũng cần tuyển thêm. Chỉ cần có năng lực và đam mê học hỏi thì không lo thất nghiệp.

Lên kế hoạch “sống sót" sau nghỉ việc

Sau nghỉ việc, chưa tìm được công ty phù hợp nên Nguyễn Tiến Anh (23 tuổi, Vĩnh Phúc) đã lên kế hoạch chi tiêu trong khoảng thời gian thất nghiệp này.

Tiến Anh dự tính trong tháng tới sẽ không có lương, tháng tiếp theo nếu tìm được công việc phù hợp thì mức lương dành cho người mới đi làm chưa cao.

“Mình lên kế hoạch tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu. Những khoản bắt buộc như tiền điện, nước, tiền nhà mình vẫn phải đóng. Mình hạn chế ăn hàng, tụ tập bạn bè, mua sắm đồ đạc cá nhân… những khoản không cần thiết thì cắt giảm hoàn toàn” - Tiến Anh nói.

Chưa có công việc ổn định nên Tiến Anh dự định lên mạng tìm những công việc liên quan đến sở trường như thiết kế hình ảnh, quay dựng video... với mong muốn kiếm đồng ra đồng vào lo tiền ăn uống.

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng tại Hà Nội, Hoàng Thị Tâm (21 tuổi, Vĩnh Phúc) lựa chọn về quê. Tâm chia sẻ, bản thân chưa có định hướng công việc cụ thể, chưa phát hiện ra điểm mạnh của bản thân, chưa biết mình cần gì và thích gì nhất ở thời điểm hiện tại. 

 Hoàng Tâm quyết định về quê sau khi tốt nghiệp cao đẳng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Về quê là phương án tốt nhất với mình ở thời điểm hiện tại, vừa giúp tiết kiệm chi phí lại vừa có thời gian nghiêm túc suy nghĩ về phương hướng cho tương lai. Thời gian rảnh mình sẽ học hỏi những lĩnh vực mới. Khi xác định được mục tiêu, mình sẽ tiếp tục trở lại thành phố để làm việc" - Tâm bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn