MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại tá Lê Xuân Phương - Phó Tư lệnh Binh đoàn 15 hỏi thăm một công nhân khi đang chăm sóc lúa nương. Ảnh T.T

Giống lúa đặc biệt giúp người dân vùng biên giới thoát được "ma đói nghèo"

THANH TUẤN LDO | 19/09/2021 16:53

Từ việc thiếu thốn lương thực, đói ăn mùa giáp hạt, hiện nay đời sống nhiều người dân ở các xã biên giới huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã “thay da đổi thịt”, một phần nhờ vào công sức bộ đội đưa giống lúa trên cạn về và cho người dân mượn đất trồng trọt.

Ven con đường qua các xã biên giới của huyện Đức Cơ, chị Rơ Mah Tiến (28 tuổi), người dân làng Nẻ, xã Ia Din, huyện Đức Cơ đang miệt mài làm cỏ dưới cánh đồng lúa trên cạn.

Nhiều năm về trước, cuộc sống gia đình khó khăn, hai vợ chồng chị quanh năm trên nương rẫy nhưng vẫn không đủ ăn, đủ gạo cho gia đình 5 người, có ba em nhỏ. Bóng ma nghèo đói, thiếu thốn lương thực vào mùa giáp hạt cứ quanh năm bám lấy dân làng thôn buôn.    

Chị Rơ Mah Tiến làm cỏ bên diện tích lúa nương của mình. Ảnh T.T

Cuối năm 2017, cán bộ, chiến sĩ Công ty 75 (thuộc Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng) đóng quân trên địa bàn giới thiệu với chị Tiến và dân làng một loại lúa đặc biệt, gọi là lúa trên cạn. Đặc biệt hơn nữa khi bộ đội cho phép trồng xen canh loại lúa trên cạn giữa những lô caosu của đơn vị.     

Như nhiều gia đình khác, chị Tiến nhận khoán 2ha lúa để chăm sóc. Bộ đội tặng chị lúa giống, phân bón và hướng dẫn chị cách chăm sóc, canh tác trên diện tích lúa. Thời điểm nào xuống giống, thời gian nào bón phân cho cây lúa hợp lý, đều được bộ đội “bắt tay chỉ việc”, hướng dẫn cho chị. Nhiều vụ mùa liên tiếp, cây lúa nương phát triển tốt, đạt năng suất thu hoạch cao hơn so với loại lúa nước truyền thống phải cần có nguồn nước. 

Từ gia đình nghèo khó còn đói ăn, đói mặc, bây giờ trong căn nhà cấp 4 của chị Tiến có sẵn cả kho chứa thóc, trên gác bếp chị còn cất trữ giống lúa để cho vụ mùa năm tới. Vụ năm nay có dư dả, chị Rơ Mah Tiến gánh thóc mang ra chợ bán để có tiền mua sách vở cho con vào năm học mới.    

“Ngoài lương công nhân caosu trung bình từ 4-6 triệu/tháng, lại được mượn đất trồng lúa, bây giờ người dân trong làng không còn ai phải thiếu cơm, thiếu gạo nữa. Mình và bà con ở đây rất biết ơn hạt lúa nương của bộ đội đã mang về”, chị Tiến chia sẻ.  

Binh đoàn 15 chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động tại địa bàn biên giới. Ảnh T.T

Đại tá Trịnh Hà Tâm - Giám đốc Công ty 75, Binh đoàn 15 cho biết, đơn vị làm kinh tế gắn với nhiệm vụ đảm bảo an ninh Quốc phòng, đóng quân trên địa bàn 6 xã, thị trấn từ nhiều năm qua. Đơn vị quản lý và chăm sóc phát triển hàng ngàn ha caosu với nhiều công nhân tại các xã Ia Lang, Ia Din, IaKrel.

Ngày trước, người dân các xã cuộc sống khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Bộ đội đã rất trăn trở để tìm phương kế sinh nhai cho người dân. Sau đó, đã đi đến quyết định chọn loại lúa nương trên cạn để trồng xen canh trong các lô caosu. Vừa tranh thủ được diện tích đất rất lớn vừa mang lại sinh kế, thu nhập cho người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.    

Điều quan trọng hơn là bộ đội đã "ăn ở cùng dân" để thay đổi nếp sống, thay đổi cách nghĩ cách làm kinh tế có hiệu quả cho người dân. Hiện tại Công ty 75 đã cho mượn đất caosu để người dân trồng xen canh trên diện tích khoảng hơn 600ha lúa nương.

Đại tá Lê Xuân Phương - Phó Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc hướng dẫn cho người dân tăng cường trồng diện tích lúa giữa lô caosu. Đây là một mô hình tốt, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Vừa ổn định đời sống cũng là để ổn định tình hình an ninh trật tự - kinh tế, xã hội trên địa bàn vùng biên giới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn