MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giữ tiếng cồng chiêng và nghề dệt thổ cẩm cho buôn làng

Phan Tuấn LDO | 23/01/2023 10:12
Bon Pi Nao, ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông có hơn 95% dân số là đồng bào M’nông. Điều đáng tự hào nhất là nhiều người dân nơi đây đã giữ gìn được tiếng cồng chiêng và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. 
Thổ cẩm M’nông được nhiều người yêu thích nhờ màu sắc và hoa văn truyền thống độc đáo. Ảnh: Dương Phong

Một ngày đầu năm mới năm 2023, chạy quanh co trên các con đèo, băng qua núi rừng chúng tôi đã tìm về bon Pi Nao, ở xã Đạo Nghĩa để tìm hiểu văn hóa của bon làng nơi đây. 

Theo tiếng M'nông, bon có nghĩa là ngôi làng, còn Pi Nao có nghĩa trảng cỏ lớn.

Người dân trong bon sống quây quần với nhau. Họ lấy một căn nhà giữa làng để làm nơi sinh hoạt chung cho cả cộng đồng.

Trong dịp Tết Nguyên đán, không khí trong bon làng ngày càng rộn ràng hơn. Những ché rượu cần đã được đóng gói cẩn thận, chuẩn bị phục vụ du khách thập phương…

Đã nhiều năm nay, văn hóa M’nông bon Pi Nao được người dân gìn giữ, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân trong bon.

Ngồi tỉ mẩn dệt tấm thổ cẩm, chị H’Đăn cho biết, thổ cẩm M’nông được nhiều người yêu thích nhờ màu sắc và hoa văn độc đáo.

Nếu như trước đây, thổ cẩm làm ra chỉ để phục vụ cho nhu cầu của gia đình thì hiện nay, thổ cẩm của bon Pi Nao đã vươn ra khỏi cánh rừng, đến với người dân Lâm Đồng, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh...

Các nghệ nhân ở Đắk Nông bước ra khỏi buôn làng biểu diễn những nét tinh hoa của văn hóa bản địa Tây Nguyên trên sân khấu quốc tế. Ảnh: Ngọc Hạnh

Thổ cẩm do người dân Pi Nao dệt ra cũng được các nhà thiết kế đưa vào sản phẩm thời trang. Từ đó giúp cho người dân có thêm thu nhập.

Đặc biệt, theo chị H’Đăn, sau khi tham dự chương trình Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai (diễn ra hồi đầu tháng 1.2022, tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE), thổ cẩm của người M’nông được bạn bè quốc tế chú ý và dành sự quan tâm đặc biệt.

Chị H’Đăn nói: “Văn hóa, nét đẹp thổ cẩm M’nông được phát huy, giúp cho chị em phụ nữ chúng tôi có việc làm, thu nhập ổn định nhờ mỗi tấm thổ cẩm có giá từ 2-3 triệu đồng. Bây giờ chị em phụ nữ đều yên tâm với nghề dệt vì sản phẩm làm ra đến đây đều được tiêu thụ tới đó”.

Cũng giống như chị H’Đăn, anh Y Lanh, đội trưởng đội chiêng của bon Pi Nao vẫn còn rưng rưng tự hào khi nhắc về tiết mục biểu diễn chiêng tại Dubai. Được mang nhạc cụ và văn hóa của dân tộc giới thiệu đến bạn bè quốc tế, anh Lanh hãnh diện vô cùng.

Anh Y Lanh kể, bon Pi Nao trải qua những thăng trầm khi tiếng chiêng đã có lúc đứt đoạn. Thế nhưng nhờ sự hỗ trợ của ngành chức năng và niềm tin, sự trân trọng với những giá trị văn hóa của người dân trong bon, nhịp chiêng Pi Nao đã sống lại, hòa vào dòng chảy văn hóa của Đắk Nông. 

Từ đó góp phần quảng bá hình ảnh con người của vùng đất phía Nam Tây Nguyên này.

Thổ cẩm của đồng bào Mạ, M'nông, Ê Đê... của tỉnh Đắk Nông có dịp được trình diễn trên sân khấu nước ngoài. Ảnh: Ngọc Hạnh

Theo anh Y Lanh thì anh rất may mắn khi 2 lần được sang Châu Âu biểu diễn cồng chiêng. Anh rất tự hào mỗi khi tiếng chiêng M'nông vang lên, tất cả khách mời đều hứng khởi, chăm chú theo dõi xen lẫn sự tò mò về những âm thanh của nhịp chiêng.

"Nhiều người hỏi rằng, tại sao một khối đồng lại phát ra âm thanh thu hút đến như vậy. Họ nói, sẽ đến Việt Nam để học cách sử dụng nhạc cụ của đồng bào mình!", anh Y Lanh nhớ lại kỷ niệm đưa chiêng M'nông xuất ngoại.

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa sẽ hứa hẹn đưa bon Pi Nao trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của tỉnh Đắk Nông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn