MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai người đang kích giun trên cánh đồng tại xã Sơn Nam. Ảnh: Lam Thanh

Giun tặc lộng hành, xới nát từ vườn đồi tới đồng ruộng

Lam Thanh LDO | 04/10/2023 14:27

Tuyên Quang - Sau mưa, đất đai ẩm ướt là thời điểm những đoàn người mang máy đi kích giun. Từ cánh đồng tới vườn đồi cứ thế bị lật tung để tận diệt giun đất.

Trước đó, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh "Tận giệt giun đất phá hoại môi trường" và "Bên trong các lò sấy tiếp tay cho giun tặc lộng hành".

Theo đó, tình trạng săn bắt giun ở một số địa phương tại tỉnh Tuyên Quang xảy ra như cơm bữa. Những chiếc máy kích cứ thế lật tung các vườn đồi, đồng ruộng.

Tại các lò sấy, mỗi ngày thu mua hàng tạ giun tươi. Thu nhập "khủng" từ giun khiến các chủ lò ngang nhiên hoạt động, tiếp tay cho giun tặc lộng hành.

This browser does not support the video element.

Tình trạng kích giun diễn ra tại xã Sơn Nam (Sơn Dương).

Trong vai người có nhu cầu mua giun, PV Báo Lao Động đã trực tiếp theo chân những người đi kích giun. Sau cơn mưa, hàng chục người ở huyện Sơn Dương rong ruổi trên những cánh đồng, vườn đồi để săn giun.

Cầm trên tay chiếc máy kích 4 chân trụ, ông H.V.C cho biết, mưa xuống đất ẩm ướt là điều kiện thích hợp để bắt giun.

"Cứ mưa xuống là mọi người mới đi kích. Già rồi nên ngày cũng chỉ được vài kg. Bắt được bao nhiêu cứ gom lại đấy sau bán cho thương lái. Nếu gom không đủ thì về cứ thả giun vào vườn, cần thì lại kích lên.

Giá giun tươi dao động từ 30 đến 60 nghìn đồng/kg. Cứ kích về rồi gom lại bán", ông C cho biết.

Cũng theo ông C., tại Sơn Dương, tình trạng bắt giun đã diễn ra từ nhiều năm nay. Những cánh đồng đã kích để một thời gian lật lại vẫn nhiều giun.

Máy kích cắm xuống ruộng, vườn đồi để bắt giun. Ảnh: Lam Thanh

Hiện tại, các thanh niên ở địa phương còn đi kích ở các tỉnh lân cận, thậm chí xuống tận Hà Nội. Cứ bắt rồi đem bán cho thương lái, một ngày phải mấy tạ giun.

Đi bắt giun thì phải sắm một cái máy kích. Riêng kích giá khoảng hơn 1 triệu đồng, cả bộ có ắc quy thì phải hơn 4 triệu đồng.

Ông C. cho hay: "Khi đi kích phải mang giày, bao tay chứ dòng điện khá mạnh. Bắt vào thời điểm trời mưa nên phải che chắn cái máy chứ để hở cũng nguy hiểm.

Đi bắt thì chỉ cần cắm chân trụ xuống là giun tự bò lên. Công suất cao nên để một lúc là giun to, giun nhỏ đều lên hết".

Tiếp tục trong vai người đi mua giun tươi, PV tiếp cận cặp vợ chồng đang kích giun trên 1 cánh đồng.

Người phụ nữ cho biết, máy kích 3 chân hay 4 chân thì chỉ cần thêm pin rồi lắp vào là được.

"Bắt nãy giờ chắc mới được hơn 1kg giun tươi thôi. Bắt về bán lại cho người ta thôi chứ không biết họ mua để làm gì.

Chỉ lấy giun to là chính, chứ lấy cả giun bé về đến khi người mua lại bỏ. Đợt này mưa nhiều rồi tranh thủ đi bắt kiếm thêm thu nhập", người phụ nữ cho hay.

Mỗi máy kích thường cắm từ 2 đến 4 chân trụ để bắt giun. Ảnh: Lam Thanh

Theo ghi nhận của PV, tại huyện Sơn Dương, từ những cánh đồng đến vườn nhà dân đều có người kích giun. Nhiều máy kích chỉ ghi dòng chữ nước ngoài, công suất thiết kế từ 68.000W đến 100.000W.

Các máy kích được đặt ở xa, che chắn cẩn thận. Người kích giun kéo dây rồi nối với các trụ. Chỉ cần cắm xuống đất là giun lập tức bò lên. Thường có 2 người đi cùng nhau để săn giun. Một người kích, người kia phát quang bụi cỏ và nhặt giun.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Văn Niên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, huyện đã thường xuyên có văn bản chỉ đạo các xã để tuyên truyền, hạn chế tình trạng kích giun.

"Hiện nay, chế tài xử lý chưa cụ thể nên khó có thể xử lý. Khi phát hiện người dân kích bắt giun thì lực lượng công an các xã sẽ thu bộ kích", ông Niên thông tin thêm.

Ngày 1.10, Công an xã Đông Đạt (Phú Lương, Thái Nguyên) bắt quả tang 4 người kích điện bắt giun đất.

Theo đó, vào 4 giờ sáng cùng ngày, 4 đối tượng cùng trú tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đang dùng kích điện để bắt giun trên cánh đồng.

Tại hiện trường, công an phát hiện khoảng 40kg giun đất, 3 bộ dụng cụ kích điện và 2 xe máy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn