MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận tải đường thủy tại ĐBSCL. Ảnh: GT

Gỡ điểm nghẽn vận tải thủy để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển

Hương Mai LDO | 05/10/2022 09:45

Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây. Nông sản là những sản phẩm truyền thống chủ lực của vùng này. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng hoá của vùng ĐBSCL đang gặp phải nhiều điểm nghẽn trên đường ra thế giới.

Chưa khơi thông, phát huy lợi thế sẵn có

Vùng ÐBSCL có hệ thống sông ngòi dày đặc, liên kết tất cả các địa phương trong vùng, có lợi thế rất lớn cho vận tải công suất lớn bằng đường thủy. Phát triển vận tải thủy sẽ góp phần giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, vận tải được nhiều loại hàng có khối lượng lớn từ đó tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Tuy nhiên, thời gian qua, vận tải thủy vẫn là “điểm nghẽn” của vùng, chưa khơi thông, phát huy lợi thế sẵn có. 

Theo ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA), với container loại 20 feet (hàng khô) khi vận chuyển bằng đường bộ từ TP.Cần Thơ đi TP.Hồ Chí Minh có giá là 8 triệu đồng, trong khi đi đường thuỷ là 4 triệu đồng, giá đường thuỷ chỉ bằng 50% đường bộ. Còn với container loại 40 feet (hàng khô) vận chuyển bằng đường bộ là 8,3 triệu đồng trong khi đường thuỷ là 5,5 triệu đồng, giá đường thuỷ bằng 66% so với đường bộ.

Tuy nhiên, thời gian vận chuyển bằng đường bộ từ TP.Cần Thơ đi TP.Hồ Chí Minh chỉ mất 7 giờ, trong khi đi bằng đường thuỷ mất 30 giờ, tức vận chuyển bằng đường thuỷ lâu hơn đường bộ gấp 4,29 lần.

Ông Phùng Ngọc Minh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - nhận định, cơ sở hạ tầng cho vận tải đường thủy nội địa chưa được quan tâm đầu tư kịp thời, đúng mức. Các trang thiết bị, điều kiện, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu còn thiếu. Các doanh nghiệp, hãng tàu, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất khẩu chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau. 

Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó phòng kế hoạch đầu tư của Cục Hàng hải, so với nhóm các cảng biển khác của cả nước, thì nhóm cảng biển số 6 (thuộc ĐBSCL, với 12 cảng biển) có thị phần hàng hoá chỉ chiếm 3%. Riêng đối với hàng container, nhóm hàng này thông qua nhóm cảng biển số 6 thuộc ĐBSCL chỉ xấp xỉ 10%, thấp hơn so với bình quân cả nước khoảng 24-25%.

Còn tính chung hàng hoá xuất, nhập khẩu của ĐBSCL, lượng hàng trực tiếp qua nhóm cảng biển ĐBSCL là rất ít, chỉ khoảng 9%, trong khi 91% còn lại phải thông qua các cảng biển khác ở khu vực TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ thể, trong năm 2021, tổng lượng hàng hoá qua cảng biển ĐBSCL là 20,84 triệu tấn, thì chỉ có 1,81 triệu tấn (tương đương 9%) đi trực tiếp qua cảng biển ĐBSCL, trong khi có 19,03 triệu tấn (tương đương 91%) phải qua các cảng biển ở khu vực TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Con số nêu trên thấp hơn rất nhiều so với những con số được đưa ra trước đây, đó là có 75% lượng hàng xuất, nhập khẩu của ĐBSCL qua các cảng khu vực TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tức có đến khoảng 25% được xuất, nhập khẩu trực tiếp từ các cảng ở ĐBSCL.

Đề xuất giải pháp

Ông Minh cho rằng, đối với định hướng phát triển nhằm thu hút tàu quốc tế, tàu container nội địa chạy biển có thể hoạt động ổn định và lâu dài vào cụm cảng biển Cần Thơ, cần nghiên cứu xem xét đánh giá lại khả năng bồi lắng, dòng chảy và thực hiện xã hội hóa đầu tư nạo vét khơi luồng cửa Định An và đảm bảo nạo vét thường xuyên để duy trì mớn nước ổn định cho luồng Quan Chánh Bố. Cùng đó, tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp các tuyến luồng thủy nội địa kết nối khu vực ĐBSCL lên khu vực TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ đề nghị UBND TP.Cần Thơ và các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa đi - đến cảng; có chính sách hỗ trợ và điều tiết để chủ hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong vùng đưa hàng hóa về các cảng biển đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố.

Đối với các hãng tàu, ông Hưng đề xuất Cần Thơ có chính sách hỗ trợ chi phí để hãng tàu phát triển các tuyến sử dụng tàu lớn 10.000DWT trở lên vào luồng sông Hậu.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, hiện bộ đang giao Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, cảng biển Cần Thơ và trong quy hoạch này chắc chắn sẽ đề cập đến quy hoạch các bến cảng hàng hóa, bến tàu. Từ đó, làm cơ sở cho thành phố cập nhật vào quy hoạch chung của địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị các địa phương quan tâm xúc tiến đầu tư, ưu đãi, cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải thủy.

Ðồng thời, nghiên cứu áp dụng các giải pháp hiệu quả để khai thác các kết cấu hạ tầng vận tải thủy hiện hữu. Ngoài nỗ lực cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của doanh nghiệp về vấn đề này rất quan trọng. Các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải thủy cần chủ động phối hợp xây dựng, phát triển các tuyến vận tải. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn