MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm đầu dự án cao tốc Liên Khương - Đà Lạt ở tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Phan Tuấn

Gỡ khó cho dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc để sớm khởi công đúng kế hoạch

Phan Tuấn LDO | 27/07/2023 07:15

Dự án cao tốc Tân Phú - Đồng Nai dự kiến sẽ khởi công vào tháng 9.2023. Thế nên, hiện nay, các ngành chức năng hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đang tập trung tháo gỡ mọi khó khăn để dự án được khởi công theo đúng kế hoạch đề ra.

Nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ

Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định (số 1386/QĐ-TTg) ngày 10.11.2022 theo phương thức PPP.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng chiều dài khoảng 66km. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án (giai đoạn phân kỳ) là 17.200 tỉ đồng.

Dự án đi qua địa phận huyện Tân Phú (Đồng Nai) dài 11km; đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài 55km.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, do đoạn tuyến trải dài trên địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai nên việc thiết lập, phê duyệt các hồ sơ kiểm kê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng theo phân cấp, phân quyền đều thuộc UBND cấp tỉnh.

Vì vậy, có rất nhiều khó khăn trong công tác tổng hợp và đồng bộ các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng. Cụ thể, như trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do có những đoạn tuyến phải điều chỉnh cục bộ để phù hợp với địa hình. Thế nên, cơ quan chức năng phải thiết lập lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Qua kết quả rà soát điều chỉnh sơ bộ cho thấy, dự án có điều chỉnh thay đổi địa điểm, vị trí cục bộ hướng tuyến. Thế nhưng, diện tích rừng tác động sẽ giảm so với chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặt khác, theo kết quả quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì phần lớn diện tích đất thực hiện dự án đều nằm trên đất lâm nghiệp đối tượng là rừng sản xuất.

Trong khi đó, việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia phải thực hiện theo nội dung chỉ đạo tại thông báo (số 259/TB-VPCP) ngày 4.7.2023 của Văn phòng Chính phủ.

Đây là thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, để thực hiện các nội dung nêu trên thì mất rất nhiều thời gian. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn chỉnh hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Đối với phần diện tích trên địa phận tỉnh Đồng Nai, theo báo cáo của đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án thì việc chấp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, còn có các khó khăn về thủ tục liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công...

Đối với đoạn đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương cũng tương tự như dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, dự án này cũng gặp các khó khăn.

Cụ thể đó là việc điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện dự án đầu tư và các thủ tục liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư công.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù.

Trong đó, cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng không phải lập lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng do việc điều chỉnh cục bộ hướng tuyến. Cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện điều chỉnh cục bộ diện tích thực hiện dự án ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Đối với UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương tiếp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của đại diện liên danh nhà đầu tư làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định.

Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.

Dự án cao tốc Tân Phú - Đồng Nai hoàn thành sẽ là tuyến giao thông huyết mạch giúp tăng khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn