MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hỗ trợ bò sinh sản hoặc chuyển đổi nghề nghiệp đang là hướng giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất tại một số nơi vùng cao, vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Nguyễn Tùng

Gỡ nút thắt thiếu đất sản xuất cho đồng bào vùng cao

Nguyễn Tùng LDO | 01/05/2023 07:16

Thiếu đất sản xuất tại những tỉnh miền núi đã ít nhiều tác động tới công tác ổn định dân sinh và giảm nghèo, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển sinh kế mới được cho là giải pháp gỡ nút thắt cho tình trạng này.

Gia đình chị Giàng Thị Súa ở xã Thượng Tân (Bắc Mê, Hà Giang) là một trong những hộ nghèo nhất của xã. Cái nghèo đói đã đeo bám vợ chồng bao năm nay, làm thuê mướn đủ nghề nhưng đồng tiền kiếm được đến đâu chi tiêu hết đến đó.

“Bố mẹ để lại cũng chỉ mảnh nương nhỏ, trồng ít ngô không đủ ăn đâu. Nhà bây giờ lại thêm con, thêm miệng ăn, chưa đến mùa đã hết ngô gạo rồi, trên đồi chỉ toàn thấy đất cằn lẫn đá thì không thể nói chuyện trồng ngô hay lúa. Đi làm thuê thì cũng chỉ lúc có lúc không, túng thiếu lắm” - chị Súa tâm sự.

Cuối tháng 3 vừa qua, gia đình Súa được hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng. Chỉ cuối năm nay, con bò này sẽ sinh thêm 1 bò con tiếp thêm hi vọng mới để thoát nghèo khi mà nguồn đất sản xuất đang thiếu.

Đây cũng là cách làm mới đối với địa bàn không thể mở rộng thêm quỹ đất sản xuất cho người dân, các cấp chính quyền đã chuyển hướng hỗ trợ. Chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế  bền vững như tặng bò sinh sản, hỗ trợ làm lồng nuôi cá trên sông được cho là giải pháp hiệu quả.

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Tuân - Bí thư huyện uỷ Bắc Mê - cho biết, địa bàn chủ yếu là núi đá có độ dốc lớn và chia cắt mạnh bởi sông, suối, chính vì thế đất sản xuất cho đồng bào dân tộc vẫn đang là nút thắt ảnh hưởng tới công tác xoá đói giảm nghèo tại địa phương.

“Đối với những xã đặc biệt khó khăn chúng tôi đang có những định hướng mới trong việc giảm nghèo. Dựa trên thế mạnh của các xã như chăn thả gia súc, nuôi cá lồng trên hồ mà có những hỗ trợ để người dân chuyển đổi sinh kế thay vì chỉ dựa vào quỹ đất trồng cấy ít ỏi” - ông Tuân cho hay.

Trong khi đó, tại xã Văn Lăng 1 trong số 14 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên với tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 50%. Tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, hộ nghèo đang là vấn đề chưa thể giải quyết trong nhiều năm qua.

Trên địa bàn xã Văn Lăng còn khoảng 30 hộ dân không có đất sản xuất, tất cả đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bản thân người nghèo và chính quyền địa phương đều biết, thiếu đất sản xuất là nút thắt chưa được gỡ bỏ trong công tác giảm nghèo nhưng để giải quyết thì lại không dễ.

Ông Hoàng Xuân Trường - Bí thư Đảng uỷ xã Văn Lăng - cho biết, đồng bào dân tộc trên địa bàn chủ yếu là người Mông sống nhờ vào nương rẫy trong khi đất sản xuất có hạn.

Hiện tại đang ưu tiên cho ổn định chỗ ở, di dời người dân vùng có nguy cơ sạt lở.

“Con cái đồng bào lập gia đình rồi tách ở riêng muốn có đất sản xuất nhưng quỹ đất của địa phương cũng chỉ có thế. Ngay cả đất rừng cũng đã được cấp sổ cho dân từ lâu, không thể lấy của người này để chia cho người khác” - ông  Trường thông tin.

Vì đất sản xuất không thể mở rộng thêm nên giải pháp của địa phương vẫn là hỗ trợ các nông cụ sản xuất và chuyển đổi nghề nghiệp hoặc đào tạo nghề phù hợp với những hộ thiếu hoặc không có đất để có thu nhập, ổn định sinh kế. Bà con được chuyển đổi nghề nghiệp bằng hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn