MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huy động tối đa máy móc, thiết bị thi công dự án. Ảnh: Xuân Nhàn

Gỡ vướng cho các doanh nghiệp tham gia cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định

Xuân Nhàn LDO | 07/03/2024 11:44

Làm việc với Tỉnh ủy Bình Định trong thành phần đoàn công tác mới đây, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ KHĐT và các bộ, ngành liên quan làm việc với địa phương, sớm trình phương án khắc phục vướng mắc chuyển đổi rừng, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Sốt ruột với 3 doanh nghiệp

Khu vực Bình Định kiến nghị tháo gỡ 3km đường giáp ranh hai xã Ân Tường Đông (Hoài Ân) và Mỹ Trinh (Phù Mỹ), Km18 + 650 - Km21 + 100. Đây là đoạn qua khu rừng tự nhiên có diện tích 12,63ha, khối lượng đào đất, phá đá khá lớn, khoảng 2,5 triệu m3.

Trước đó, trong báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội “sớm xem xét, ưu tiên cho chuyển đổi để dự án kịp tiến độ”.

Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận thi công 23,5km, gồm một phần qua thị xã Hoài Nhơn, toàn bộ chiều dài qua Hoài Ân và đoạn ngắn phía Tây - Bắc Phù Mỹ. Rừng chậm chuyển đổi, không chỉ vị trí đó án binh bất động mà nhịp độ thi công toàn tuyến cũng bị ảnh hưởng.

Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 5 Hồ Sĩ Biên nói: “Chúng tôi đối mặt với tình trạng bế tắc vật liệu. Khai thác vật liệu tận dụng là yêu cầu bắt buộc mà hàng triệu m3 đất đá cứ im lìm trong lòng đất. San nền, làm móng, sản xuất vật liệu dạng hạt, khâu nào cũng căng thẳng”.

Giải bài toán vật liệu cho công trình cao tốc Bắc - Nam, UBND tỉnh Bình Định ráo riết thúc giục các ngành, địa phương hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực khai thác mỏ, bãi thải.

Hiện tại, UBND tỉnh đã xác nhận đăng ký khai thác 17/17 khu vực mỏ đất đắp nền, diện tích 169ha, trữ lượng 13,3 triệu m3, thỏa mãn toàn bộ yêu cầu của chủ đầu tư. Trong số này, 15 khu được HĐND tỉnh thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; 2 khu mới bổ sung, đang lập hồ sơ chuyển đổi.

Về cát xây dựng, đã xác nhận đăng ký toàn bộ 7 khu mỏ, diện tích 72,3ha, trữ lượng hơn 1,6 triệu m3 như chủ đầu tư đề nghị.
Ngoài ra, các nhà thầu, chủ đầu tư còn sử dụng 13 khu mỏ thương mại trên địa bàn, trữ lượng gần 12,5 triệu m3, công suất khai thác hàng năm khoảng 306.000m3.

Ngoài ranh giới Phù Mỹ, Hoài Ân, toàn tuyến còn 3 vị trí vướng mắc liên quan tới doanh nghiệp: Chi nhánh công trình Viettel Bình Định (Hoài Nhơn), Cty CP Hồng Hà (An Nhơn) và Cty TNHH Vũ Hà (Tuy Phước). Có đơn vị đã nhận tiền đợt 1, nhưng đề nghị bồi thường thêm tới 17 tỉ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Định Trần Kỳ Quang, đề nghị trên là không phù hợp quy định.

“Không chấp nhận dự án cao tốc chậm tiến độ kéo dài chỉ vì 3 doanh nghiệp. Các địa phương củng cố hồ sơ, thủ tục, kế hoạch cưỡng chế, bảo vệ thi công trong trường hợp vẫn còn tập thể, cá nhân cố ý dây dưa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng nói.

Quyết liệt thi công

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 qua địa phận Bình Định có chiều dài 118km, bao gồm 3 dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (27,7km), Hoài Nhơn - Quy Nhơn (70,1km), Quy Nhơn - Chí Thạnh (21km). Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tiến độ thi công đang được đẩy nhanh.

Dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đang huy động 96 mũi thi công (40 mũi thi công cầu, 13 mũi thi công đường, 43 mũi thi công cống, hầm chui) với 486 thiết bị, 1.280 kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, công nhân.

Báo cáo tiến độ từ các nhà thầu thể hiện, trừ vài vị trí “đóng băng” kể trên, còn lại tốc độ xây dựng đều đạt hoặc vượt yêu cầu.

Tập đoàn Sơn Hải (gói thầu 12XL, Km23+500 - Km70+091) vượt tiến độ trên tất cả các hạng mục đắp nền, làm cầu. Ở gói thầu 11-XL (Km0+00 - Km23+500), Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đưa 500 nhân công, 200 máy móc, thiết bị “xuống đường”, quyết liệt thi công đường công vụ, đắp nền tuyến chính, xây dựng cầu, cống… tại 25 vị trí. Tiến độ cũng vượt kế hoạch đề ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn