MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kì vọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn

Gỡ vướng mắc nhằm giải quyết thiếu thuốc, trang thiết bị y tế

TRẦN VƯƠNG LDO | 24/05/2023 06:12

Hôm nay (24.5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Một nội dung được nhiều người kì vọng đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế - một vấn đề được nhắc tới nhiều trong thời gian qua. 

Từng bước gỡ khó

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ, vừa qua, tình trạng chung trên nhiều cơ sở y tế của cả nước đó là gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Vấn đề này không phải chỉ riêng một cơ sở mà nhiều cơ sở khác nhau. Và chính điều này dẫn tới những khó khăn trong công tác điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Đây là trăn trở của những người thầy thuốc và cả những nhà quản lí trong ngành y.

Trước những khó khăn như vậy, các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt, từng bước tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế bằng Nghị định 07/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí trang thiết bị y tế; Nghị quyết 30 của Chính phủ. 

Thời gian qua, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Quốc hội cũng đang xem xét, thảo luận, thông qua về Luật Giá (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi).

“Chúng tôi hi vọng với việc thông qua Luật Đấu thầu, Luật Giá và hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật sẽ tháo gỡ những khó khăn cho cho việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc men” - TS Cơ nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) - đề xuất bổ sung cơ chế đấu thầu tập trung đối với thuốc, vật tư y tế tiêu hao có số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm và nên giao cho một đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện để cung cấp cho tất cả các bệnh viện trên cả nước.

Ông cho rằng, quy định như vậy mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện. Nếu nhu cầu mua sắm của bệnh viện quá ít thì không nhà thầu nào muốn tham dự. 

“Ví dụ mua huyết thanh chống nọc rắn, men chống độc như ở Quảng Nam, một số bệnh viện chỉ cần vài chục, nhiều lắm là vài trăm liều… Đấu thầu tập trung thuốc hiếm, nhu cầu sử dụng ít nhưng là thuốc thiết yếu sẽ bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu điều trị, tránh tình trạng bệnh viện tuyến dưới có phác đồ điều trị nhưng không có thuốc, đành phải chuyển lên tuyến trên, gây áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối. Cơ chế đấu thầu tập trung này đồng thời hạn chế được những tiêu cực trong mua sắm, bệnh nhân không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường…” - ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Bám sát các đòi hỏi từ thực tiễn

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kì họp thứ 4 và sẽ xem xét thông qua tại Kì họp thứ 5.

Thời gian qua, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thích ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tới.

Với nội dung về mua thuốc, vật tư y tế gặp nhiều vướng mắc thời gian qua, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lí tại nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm như: quy định cụ thể về các trường hợp mua sắm tập trung, đàm phán giá, chỉ định thầu mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp khẩn cấp, cấp cứu; quy định về các cơ chế mua hóa chất, thiết bị y tế để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn hiện nay, tạo cơ sở pháp lí cho việc đấu thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để thực hiện các dịch vụ kĩ thuật bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.

Đồng thời, quy định về ưu đãi trong mua thuốc để vừa tạo điều kiện cho phát triển nền sản xuất dược trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh…

Ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết, Dự thảo Luật được rà soát, hoàn thiện theo hướng: Chỉnh lí phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn