MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đang có nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Minh Quân

Gỡ vướng, tìm hướng đột phá giải ngân đầu tư công

KIM NGÂN LDO | 28/02/2023 06:11

Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn gần 711.700 tỉ đồng (tăng hơn 130.000 tỉ đồng so với năm 2022) cộng với toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng loạt ra quân từ đầu năm

Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công 94.161 tỉ đồng, tương đương với mức giải ngân trung bình mỗi tháng gần 7.850 tỉ đồng.

Trong tháng 1.2023, Bộ GTVT đã ban hành chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công, giao chi tiết vốn đợt 1 cho các dự án đã đủ thủ tục với tổng số vốn 94.135 tỉ đồng (đạt 99,97% kế hoạch). Bộ GTVT cho biết, đã giải ngân được 1.700 tỉ đồng (chiếm 1,81% kế hoạch vốn), đồng thời hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần dự án Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) cũng như ký hợp đồng toàn bộ các gói thầu để tổ chức thi công...

Là địa phương được giao số vốn đầu tư công lớn, năm 2023 Hà Nội được giao số vốn đầu tư công 46.946 tỉ đồng (chiếm 44,67% tổng chi dự toán của thành phố).

Quyết tâm giải ngân hết số vốn này, mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký quyết định số 1012/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với giá trị tổng mức đầu tư 13.362 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong năm nay, công tác giải phóng mặt bằng sẽ phải hoàn thành để toàn bộ dự án thành phần 1.1 được thực hiện xong trong năm 2024.

Không chỉ Bộ GTVT, TP.Hà Nội mà nhiều địa phương khác như Nam Định, Đà Nẵng, hay Gia Lai... cũng vào cuộc quyết liệt từ đầu năm với nhiều hoạt động. 

Tìm hướng đột phá

Ngoài việc phân bổ vốn kế hoạch, thực hiện giải ngân từ sớm, theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), để cải thiện công tác giải ngân, các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên thu hồi vốn ứng trước, sau đó thanh toán toàn bộ các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đang chờ quyết toán; dự án đã quyết toán đang còn thiếu vốn; dự án hoàn thành trong kế hoạch 2023. Ông Đức cho rằng, đây chính là yếu tố để cho “tiền đi ngay” và tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Còn với những dự án chuyển tiếp phải rà soát, ông Đức cho rằng, nên ưu tiên, tập trung bố trí vốn cho các dự án mang tính chất liên vùng, trọng điểm; không bố trí vốn dàn trải, manh mún. Còn với các dự án khởi công mới, phải đủ thủ tục đầu tư, không vướng mặt bằng xây dựng. Các yếu tố này được giải quyết sớm cũng sẽ là một bước đột phá cho công tác giải ngân.

Tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nêu giải pháp tháo gỡ cho 2 lĩnh vực vướng mắc lớn nhất hiện nay là công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư. Trong đó, để gỡ khó cho công tác chuẩn bị đầu tư, bộ đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Còn trong khâu thực hiện, ông Phớc cho rằng, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn cũng như quy định là cấp tỉnh phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù...

Liên quan đến vướng mắc về trình tự thủ tục vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, công tác kế hoạch cho đến nay đã được đổi mới nhiều tuy nhiên thời gian tới sẽ được tiếp tục cải tiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn