MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án chung cư HH Linh Đàm là một trong dự án mà người mua nhà được hưởng gói vay 30.000 tỉ đồng, tạo điều kiện cho hàng vạn dân có nhà. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Gói 3.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội: Mở cơ hội với người thu nhập thấp

THÔNG CHÍ - CẨM VĂN LDO | 14/04/2020 12:30
Với việc có thêm 3.000 nghìn tỉ đồng hỗ trợ cho nhà ở xã hội trong bối cảnh mấy năm nay liên tục thiếu vốn được ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - nhìn nhận, người có thu nhập thấp tại đô thị sẽ mua được nhà ở xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều so hiện tại.

Trước đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỉ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. 

Tắc vốn, nhà ở xã hội mới về đích 1/3 so với mục tiêu đề ra

Kết thúc năm 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, đến nay diện tích nhà ở thu nhập thấp mới đạt 4,8 triệu m2 so với mục tiêu xây dựng 12,5 triệu m2 vào năm 2020. Theo đánh giá của người tư lệnh ngành Xây dựng, một trong những nguyên nhân do thiếu nguồn vốn nên hàng trăm dự án nhà ở thu nhập thấp còn chậm tiến độ.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - khẳng định, điểm nghẽn lớn nhất trong những năm qua là thiếu vốn nên việc khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn khi gói 30.000 tỉ  đồng kết thúc cho vay từ cuối năm 2016. “Cơ chế chính sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội được quy định rất cụ thể trong Nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ. Chủ trương đã có nhưng không bố trí nguồn tái cấp vốn để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nên các dự án rơi vào tình trạng đói vốn” - ông Đính nói.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - nhìn nhận, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng đã gây khó khăn rất lớn đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi nhưng chưa giải ngân hết thì không được tiếp tục giải ngân phần còn lại.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Lao Động, vào đầu năm 2017, nhiều người có thu nhập thấp đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không được tiếp tục giải ngân, buộc phải chuyển sang vay theo phương thức thương mại với lãi suất cao hơn gấp đôi.

Cơ hội có nhà với người thu nhập thấp tại đô thị

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (VBSP) - nói rằng, theo quy định, ngân sách nhà nước sẽ cấp 50% và sẽ tự huy động 50% nguồn vốn để triển khai cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dù “chủ công” trong việc triển khai chương trình cho vay này, trong 2 năm gần đây (2018 và 2019), VBSP chỉ được bố trí 500 tỉ đồng trong năm 2018 và 663 tỉ đồng cho năm 2019. Riêng trong năm 2019, với 663 tỉ đồng được bố trí cùng với 50% do ngân hàng tự huy động được, tổng nguồn vốn cho vay của chương trình tại VBSP là 1.326 tỉ đồng. Việc chưa được bố trí đủ nguồn vốn được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội còn khó khăn.

Theo đánh giá của ông Lý, trong các hoạt động liên quan đến nhà ở xã hội hiện nay, bên cạnh nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án nhà ở xã hội, nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của người dân thuộc các tượng có thể vay mua nhà ở xã hội cũng tương đối căng thẳng.

Bởi vậy, với việc sắp triển khai gói hỗ trợ 3.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu đánh giá, gói tín dụng này sẽ cho cả chủ đầu tư cũng như cả người dân vay để xây dựng nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở xã hội nên sẽ tạo thêm nguồn cung căn hộ.

“Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà thương mại sẽ phải tính toán lại giá bán để cạnh tranh. Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được vay vốn ưu đãi về lãi suất nên giá sẽ rẻ hơn nhà thương mại. Như tại TPHCM, giá nhà ở xã hội đa số là khoảng 15 triệu đồng/m2, trong khi hiện nay, giá nhà thương mại bình quân khoảng 40 triệu đồng/m2. Khi giải quyết nhu cầu thật, người dân sẽ mua được nhà ở xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều so với mua nhà thương mại. Khi đó, các chủ đầu tư sẽ mất một nguồn nhu cầu, phải cơ cấu giảm giá để cạnh tranh” - ông Châu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn