MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong lúc chờ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Trung ương, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã chung tay giúp đỡ bà con nghèo. Ảnh: Thuỳ Trang

Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng: Địa phương phải chờ vì bộ chưa có hướng dẫn

Nhóm phóng viên LDO | 23/04/2020 09:30

Trong thời gian chờ các bộ, ngành có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã chủ động tiến hành thống kê trước các nhóm đối tượng được thụ hưởng. Cũng có địa phương đã huy động được kinh phí chi trả nhưng vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn từ Bộ LĐTBXH.

Chủ động khảo sát

Trong khi chờ hướng dẫn chi tiết về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để các nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), nhiều địa phương đã chủ động “gõ cửa từng nhà” để thực hiện rà soát các trường hợp. Tại Hà Nội, Sở LĐTBXH đã đề nghị Ban Quản lý (BQL) các Khu Công nghiệp và Chế xuất (KCN-CX) Hà Nội, BQL Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp triển khai thực hiện rà soát, báo cáo các số liệu đối tượng.

Đối với nhóm lao động tự do, tổ trưởng tổ dân phố tại Hà Nội đã mang 7 mẫu biểu đến từng nhà để kê khai. Ví dụ, qua rà soát tại tổ dân phố 36, phường Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), tổ trưởng đã thống kê được hơn 40 trường hợp lao động tự do, mất việc làm do dịch COVID-19.

Sở LĐTBXH Đà Nẵng cho hay, hiện nay, UBND xã phường đã thực hiện xong việc khảo sát và đang chuyển số liệu các nhóm đối tượng nằm trong gói hỗ trợ chung theo quy định của Trung ương về sở để tổng hợp. Kỳ họp bất thường HĐND Đà Nẵng trong tháng 4 vừa qua cũng đã phê duyệt việc hỗ trợ cho các đối tượng đặc thù riêng của thành phố (TP) bị ảnh hưởng do tác động bởi dịch COVID-19 nhưng không nằm trong quy định của Trung ương, áp dụng 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6.2020). Tổng số đối tượng, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn TP ước tính hơn 113.000 trường hợp.

Tại TPHCM, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM - nói rằng, địa phương cũng đã thống kê 18.700 người bán vé số và họ đã được hỗ trợ 750.000 đồng/người. Sở cũng đang trình kế hoạch hỗ trợ 35.700 người có công với mức 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng. Ngoài ra, khoảng 9.000 hộ nghèo, cận nghèo tại TPHCM bị hưởng giảm thu nhập do dịch bệnh COVID-19 sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, trong vòng 3 tháng.

Tiền có nhưng vẫn phải chờ

Theo kế hoạch ban đầu, Đà Nẵng dự định, ngay khi đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng, hộ gia đình trên địa bàn TP bị ảnh hưởng do tác động bởi dịch COVID-19 được HĐND TP thông qua, TP sẽ triển khai hỗ trợ trước 1 tháng (tháng 4.2020) cho các đối tượng, hộ gia đình đã có danh sách quản lý và người lao động (NLĐ) đã được xét chọn của địa phương, với dự kiến kinh phí khoảng 103 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đại diện Sở LĐTBXH TP cho biết đến nay, việc này chưa thể triển khai bởi vẫn đang đợi hướng dẫn của Bộ LĐTBXH vì các nhóm đối tượng được hỗ trợ và tiêu chí còn đang thay đổi liên tục. “Vừa qua, bộ đã có 2, 3 lần trình Thủ tướng nhưng có lúc thì đối tượng thân nhân của người có công nằm trong danh sách được Trung ương hỗ trợ, lúc thì lại bị loại ra. Nếu chi tiền ngay bây giờ mà sau này thu hồi thì rất dở mà cũng sai với chủ trương” - đại diện Sở LĐTBXH Đà Nẵng nói.

Được biết, riêng tại Đà Nẵng, kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn TP theo quy định của Trung ương trong thời gian 3 tháng là khoảng 279 tỉ đồng, trong đó, ngân sách TP đảm bảo 70% là gần 200 tỉ đồng. Đà Nẵng cũng đã chủ động dành nguồn ngân sách khoảng 30 tỉ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng đặc thù khác của TP ngoài quy định của Trung ương. Như vậy, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP khoảng 307,9 tỉ đồng.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội - cho hay, theo Nghị quyết của Chính phủ về gói hỗ trợ an sinh xã hội, Hà Nội phải tự cân đối kinh phí địa phương để chi. Hiện, Hà Nội đã đảm bảo đủ nguồn kinh phí để thực hiện.

Tại TPHCM có khoảng 600.000 công nhân và giáo viên bị ngừng việc, mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND TPHCM. Muốn được hỗ trợ, người mất việc làm đơn gửi hiệu trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp, công ty, chủ cơ sở sản xuất... để các đơn vị lập danh sách, đề nghị công đoàn cơ sở và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận. 15 ngày sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan chức năng sẽ thẩm định và chuyển tiền hỗ trợ cho người lao động. Các phòng Giáo dục quận, huyện sẽ gửi kinh phí cho UBND phường, xã để chuyển cho các giáo viên.

Tổng số tiền hỗ trợ là khoảng 1.800 tỉ đồng, lấy từ nguồn thu nhập tăng thêm năm 2020 của cán bộ, công chức TP. Theo ông Tấn, do gói hỗ trợ được thành phố đưa ra trước gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ nên người lao động chỉ được nhận hỗ trợ một lần. Minh Quân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn