MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gói thầu tàu điện ngầm Hà Nội bế tắc vì vướng mặt bằng

Minh Hạnh LDO | 26/08/2022 18:57

Vướng mắc trong giải phóng và bàn giao mặt bằng là lý do chính khiến gói thầu thi công nhà ga và đường tàu điện ngầm của dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đến nay lâm vào cảnh chậm tiến độ và đội vốn.

Sau một thời gian dài đình trệ, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa thông báo tổ chức rào chắn tạm, vận hành thử phương án phân luồng, tổ chức giao thông trên phố Trần Hưng Đạo, đoạn từ Lê Duẩn đến Trần Bình Trọng để phục vụ thi công khu vực ga-ra và đường chuyển làn sau ga S12, thuộc tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội.

Sau khi rào thử, dự án thực hiện quan trắc, theo dõi và điều chỉnh phương án (nếu cần) trong 7 ngày và dựng hàng rào cố định vào ngày mai, 27.8.

Đây là một cấu phần trong gói thầu trị giá 6.501 tỉ đồng được MRB ký với liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella từ ngày 30.10.2015, để triển khai gói thầu CP03 dài 4km, thi công nhà ga và đường tàu điện ngầm của dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội. Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng và bàn giao mặt bằng đã khiến gói thầu CP03 lâm vào cảnh chậm tiến độ và đội vốn.

Gói thầu thi công ngầm hiện đã bị dừng một năm. Ảnh: LĐ

Theo đó, gói thầu CP03 sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á ADB, có thời gian thi công trong 4 năm. Theo thiết kế, sẽ đào lộ thiên 4 ga ngầm (từ S9 đến S12), sau đó cho 2 robot đào hầm khoan xuyên qua cả 4 ga.

Giá trị dự toán được phê duyệt của CP03 khi đó là 8.487 tỉ đồng, tức là mức giá "chào hàng" 6.501 tỉ đồng của liên danh nhà thầu thấp hơn gần 2.000 tỉ đồng so với ước tính của chủ đầu tư. Trong hợp đồng ghi rõ nhà thầu phải được tiếp cận toàn bộ mặt bằng sạch khi bắt đầu thi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thể bàn giao đầy đủ mặt bằng do những vướng mắc trong việc di dời công trình ngầm, nổi.

Để cứu vãn hợp đồng có nguy cơ bị chấm dứt, MRB đã tiến hành thương thảo với nhà thầu và thống nhất ngày khởi công dự án là 6.2.2017, hủy bỏ điều kiện bàn giao toàn bộ mặt bằng, thay bằng bàn giao từng phần với hạn chót là 6.6.2017. Đồng thời, chủ đầu tư cũng cho phép nhà thầu kéo dài thời gian thi công thêm 11,5 tháng.

Tuy nhiên, thỏa ước trên vẫn không thực hiện được do tiến độ giải phóng mặt bằng tiếp tục không đạt yêu cầu do việc bàn giao mặt bằng rất chậm trễ.

Dự án xây dựng tuyến metro số 3 đoạn từ Nhổn - ga Hà Nội tiếp tục chậm tiến độ, khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lan Nhi

Ngoài vướng mắc về mặt bằng, việc xử lý một số tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công khoan hầm cũng là vướng mắc. Nhà ở của người dân nằm trong hành lang an toàn tuyến hầm cần được di dời, phá dỡ trước khi khoan hầm để đảm bảo an toàn.

Nhằm gây sức ép cho chủ đầu tư, ngày 30.10.2021, nhà thầu thông báo chấm dứt hợp đồng và cho biết muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng, nhưng yêu cầu chủ đầu tư phải đáp ứng 3 yêu cầu gồm cung cấp quyền tiếp cận toàn bộ công trường để chấm dứt tình trạng chậm trễ mặt bằng; gia hạn thực hiện hợp đồng và thanh toán tạm 70 triệu USD chi phí bổ sung do kéo dài thời gian.

Do đó đến nay sau 7 năm triển khai xây lắp mà hợp đồng gói thầu CP03 mới đạt 32%, buộc UBND TP Hà Nội phải tách ra thành 2 mốc tiến độ, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km sẽ được khai thác trước và đoạn ngầm 4km sẽ hoàn thành sau. Đến nay, đoạn trên cao chưa về đích và cũng đang có nguy cơ vỡ tiến độ.

Để giải quyết các vấn đề của gói thầu CP03, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo MRB và các tư vấn đánh giá cẩn trọng từng vấn đề để thương thảo với nhà thầu.

Mới đây vào ngày 5.8.2022, UBND TP Hà Nội đã họp với đại diện cấp cao của nhà thầu để yêu cầu thi công trở lại. Đồng thời thống nhất sẽ cung cấp quyền tiếp cận công trường cho các phần mặt bằng còn lại muộn nhất vào ngày 30.9; thống nhất gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng; đồng ý tiếp tục duy trì Ban xử lý tranh chấp và đề nghị chủ đầu tư thanh toán chi phí bổ sung do chậm trễ khởi công với giá trị thanh toán theo quyết định của Ban xử lý tranh chấp.

Đối với chi phí bổ sung khác, UBND TP Hà Nội yêu cầu nhà thầu làm việc cụ thể với chủ đầu tư, tư vấn của dự án và cung cấp bằng chứng làm cơ sở để các bên xem xét, thương thảo, thống nhất.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng FIDIC mà chủ đầu tư đã ký kết với nhà thầu và cho phép tuân thủ hợp đồng FIDIC trong trường hợp nội dung hợp đồng có khác biệt với quy định Việt Nam.

Trong chuyến thị sát ga ngầm S9 ngày 9.8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trách nhiệm khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn thuộc về chủ đầu tư là TP Hà Nội cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và TP Hà Nội cũng chưa chặt chẽ, hiệu quả. Các vướng mắc, vấn đề phát sinh không kịp thời được xử lý…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn