MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gọi vợ đón sau khi uống rượu bia, tự tin qua chốt kiểm tra nồng độ cồn

Mai Hương - Văn Trực LDO | 03/03/2023 09:02

Đà Nẵng - Sau một thời gian tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ý thức người dân TP Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi.

Nghiêm chỉnh chấp hành

Vào khuya ngày 2.3, tại chốt kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, lực lượng công an quận Thanh Khê đã liên tục dừng các phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn, kiên quyết xử phạt nghiêm các vi phạm. 

Về quy trình kiểm tra, sau khi cán bộ chiến sĩ dừng phương tiện sẽ thông báo cho tài xế về việc tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn. Sau đó, tài xế thổi vào ống trên máy đo cầm tay để phát hiện trong hơi thở có nồng độ cồn hay không. Khi người dân có những vấn đề chưa rõ về máy đo nồng độ cồn sẽ được các chiến sĩ giải thích ngay tại thời điểm xử lý vi phạm.

Công an quận Thanh Khê thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trên đường Nguyễn Tất Thành vào khuya ngày 2.3. Ảnh: Văn Trực

Vì tâm lý sợ bị kiểm tra nên dù có lỗi hay không có lỗi một số người khi thấy chốt, liền xuống xe tắt máy rồi dắt xe đi bộ qua chốt. Bên cạnh đó, có những trường hợp sau khi sử dụng rượu bia đã gọi người nhà đến đón hoặc đi taxi trở về để đảm bảo an toàn. Vì thế, khi được kiểm tra nồng độ cồn, người dân hoàn toàn tự tin và nghiêm chỉnh chấp hành.

Sau khi đi dự tiệc tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Tất Thành, ông H.V.T (54 tuổi, TP Đà Nẵng) đã gọi vợ đến đón về nhà. Dù sử dụng rượu bia ở mức hạn chế nhưng ông Thuận vẫn ý thức chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông.

"Là người dân, tôi luôn ý thức chấp hành luật. Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hàng quán trên địa bàn được mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu của người dân. Vì thế, tình trạng sử dụng rượu bia là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thay vì điều khiển phương tiện và nguy cơ gây ra tai nạn, có thể gọi người thân đến hỗ trợ hoặc gọi taxi đưa về" - ông H.V.T cho biết.

Sau khi sử dụng rượu bia, nhiều người chọn cách gọi người nhà đến đón hoặc gọi taxi trở về nhà. Ảnh: Văn Trực

Giảm số lượng các trường hợp vi phạm

Từ giữa năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông quận Thanh Khê nói riêng và công an TP Đà Nẵng nói chung đã tiến hành thành lập nhiều chốt chặn mỗi đêm trên các tuyến đường tập trung nhiều quán nhậu trên địa bàn để xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Qua nhiều đợt kiểm tra, các tổ công tác phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, trong đó, có trường hợp sử dụng rượu bia dẫn đến tình trạng say xỉn và có hành vi quấy nhiễu, lăng mạ, chửi bới lực lượng chức năng. Tuy nhiên, tổ công tác đều xử lý kiên quyết. Sau gần 1 năm thực hiện quyết liệt, tình trạng vi phạm đã có chiều hướng giảm.

Theo Thượng úy Nguyễn Đức Việt, Tổ trưởng tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn (công an quận Thanh Khê), nhiều trường hợp say xỉn nên xảy ra tình trạng đôi co, không đồng ý ký vào biên bản. Lúc này, lực lượng sẽ đưa hình ảnh video lỗi vi phạm cho chủ điều khiển phương tiện xem.

Người dân nghiêm chỉnh chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Văn Trực

Khi người vi phạm có hành vi chống đối thì sẽ quy vào lỗi không chấp hành việc đo nồng độ cồn và sẽ có hướng xử lý khác.

Thượng úy Nguyễn Đức Việt cho biết thêm, bên cạnh việc lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn, ma túy vào ban đêm, lực lượng công an quận Thanh Khê cũng tiến hành tuần tra ban ngày, trường hợp phát hiện người có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn sẽ tiến hành ra hiệu dừng xe và kiểm tra.

Nhờ chủ trương ra quân quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, thời gian qua, số lượng các trường hợp vi phạm cũng giảm hơn so với đợt trước tết. 

"Ngoài việc ra quân kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, lực lượng cũng đã tuyên truyền đến các chủ quán nhậu và người dân về việc chấp hành luật giao thông.

Khi đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện, nếu trót sử dụng thì nhờ người nhà đến đón hoặc gọi các phương tiện giao thông như xe ôm, taxi... để đảm bảo được an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông" – Thượng úy Nguyễn Đức Việt cho biết.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, về mức xử phạt nồng độ cồn đối tài xế ôtô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm. Còn đối với xe máy, mức vi phạm nồng độ cồn nặng nhất, thì bị phạt kịch khung từ 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe máy vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn