MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều xã, phường tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) bị ngập nặng do mưa lớn. Ảnh: Khánh Phúc

Gợi ý xây, công bố biểu đồ để chống ngập lụt cục bộ cho Lâm Đồng

Mai Hương LDO | 23/09/2023 06:24

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ và sụt lún, sạt trượt đất ở nhiều mức độ khác nhau. Đặc biệt là các tuyến đường đèo qua vùng đồi núi có độ dốc lớn.

Mưa lớn, mưa cực đoan gây ngập lụt, sạt lở

Theo thống kê của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến ngày 8.8.2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 đợt mưa lớn gây ngập tại nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh. Trong đó, trận mưa ngày 23.6.2023 có lượng mưa 65mm trong 1 giờ tại TP Đà Lạt đã làm nhiều đoạn đường (Phan Đình Phùng, Tô Ngọc Vân, Trần Quốc Toản…) xảy ra tình trạng ngập (dưới 1m), nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ.

Phát biểu tại Hội thảo "Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" tổ chức ngày 22.9, TS Trần Anh Tuấn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng - đã đề cập đến thực trạng ngập lụt, sạt lở các địa phương tỉnh Lâm Đồng.

Qua thống kê những đợt mưa lớn có khả năng gây nên lũ ở Lâm Đồng, nhận thấy nguyên nhân hầu hết đều do ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam mạnh. Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 9, khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Trung bộ, kết hợp với gió mùa Tây Nam mạnh thì thường gây nên mưa lớn có khả năng sinh ra lũ vừa đến lũ lớn trên các sông suối trong tỉnh.

Điều tra, khảo sát cho thấy, tỉnh Lâm Đồng không nằm trong vùng có nguy cơ sinh lũ quét cao như các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung. Số đợt mưa lớn, mưa lớn diện rộng xảy ra và số đợt lũ và lũ quét trung bình hằng năm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng từ 4 đến 6 đợt.

Mưa lớn kéo dài thường gây ngập lụt ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Không chỉ các khu vực ngoài đô thị, các khu vực trong đô thị đặc biệt như TP Đà Lạt hiện tượng ngập lụt cục bộ, sạt lở cũng đã xảy ra trong các đợt mưa lớn, mưa cực đoan.

Giải pháp ngắn hạn, cấp thiết

Phát biểu tại hội thảo, ThS.KTS Trần Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng - đã đề cập đến giải pháp ngắn hạn, cấp thiết. Theo đó, cần phải công bố các biển báo tại những khu vực thường xảy ra “ngập lụt cục bộ”, các điểm có khả năng “gây tắc nghẽn” mương, cống thoát nước, khu vực sông, suối, khe tụ thủy và các điểm có “nguy cơ sạt lở đất”.

Hướng dẫn bà con ý thức giữ gìn vệ sinh - môi trường, không xả rác thải làm tắc nghẽn dòng chảy; vận động nhân dân hình thành phong trào tự quản “bảo vệ và khai thông mương, cống, khe suối, dòng chảy” trước - trong và sau những ngày mưa bão.

Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ hồ sơ gộp - tách thửa đất; chuyển mục đích sử dụng đất; thẩm tra giải pháp thiết kế san lấp đất và xây kè chắn đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đối với công trình kết cấu hạ tầng.

TS Trần Anh Tuấn dẫn chứng về giải pháp mà TP Tokyo, Nhật Bản áp dụng khi xảy ra gây ngập lụt do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Chính quyền TP Tokyo ưu tiên thực hiện các biện pháp giúp xử lý khẩn cấp trong trường hợp mưa lớn xảy ra, như xây các hồ điều tiết nước tạm thời.

Song song đó, họ đẩy mạnh thực hiện các "biện pháp cứng" như trang bị hệ thống xử lý nước mưa và các "biện pháp mềm" là công bố biểu đồ ngập lụt, bản đồ bảo trì hệ thống thoát nước mưa, thông tin thời tiết giúp người dân nắm bắt thông tin nhằm giảm thiệt hại do mưa lớn.

"Biện pháp cứng" là giải pháp quản lý hệ thống dòng chảy sông ngòi, nâng cấp xây mới hệ thống thoát nước bằng những công trình hầm có đường kính từ 3 - 8m, đặc biệt chú trọng xây dựng các trạm bơm xử lý nước mưa quy mô lớn ở các điểm quan trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn