MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

GS Võ Tòng Xuân và những kỳ tích với cây lúa

Lục Tùng LDO | 19/08/2024 13:37

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã nhiều lần từ chối việc làm ở nước ngoài để quay về Việt Nam vì cây lúa quê hương.

Hành trình dấn thân đầy thách thức

“Tôi xin gởi lời cám ơn đến hàng triệu nông dân trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long…” - tại lễ trao giải VinFuture năm 2023 với tư cách là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã dành phần lớn thời gian trong khuôn khổ 45 giây mà Ban tổ chức cho phép để nhắc đến nhà nông.

Ông là thế, cây lúa và người trồng lúa quê hương luôn nằm ở vị trí trân trọng trong suy nghĩ và trong mục tiêu nghiên cứu khoa học suốt hơn nửa thế kỷ. Thậm chí, vì nhà nông và cây lúa quê hương, ông chấp nhận từ bỏ chuyên môn đã được đào tạo trình độ thạc sĩ là ngành mía đường để chuyển sang lĩnh vực cây lúa từ con "số không".

GS Võ Tòng Xuân trong thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ nông học tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Năm 1969, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Nông hóa ngành mía đường, nhưng nghĩ đến nỗi cực nhọc của người trồng lúa quê nhà, ông xin vào làm việc tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) để tích lũy kinh nghiệm cho ngày về quê.

Sau khi trải qua kỳ tuyển dụng đầy khắc nghiệt, ông lao vào lĩnh vực cây lúa với tinh thần cao nhất. Kết quả là không lâu sau thời gian làm việc trên lĩnh vực mới, ông đã hoàn thành quyển sách đầu tay về cây lúa: “Cẩm nang huấn luyện kỹ thuật trồng lúa cao sản” (IRRI xuất bản).

Công việc đang hanh thông thì bất ngờ năm 1971 ông tình nguyện về Việt Nam sau một câu nói của GS Nguyễn Duy Xuân - Viện trưởng Đại học Cần Thơ: “ĐBSCL là vựa lúa gạo nên rất cần nhà khoa học am tường về cây lúa như Tòng Xuân”.

Đó không phải là cuộc “vinh quy bái tổ” như thông lệ, mà là sự mở đầu cho hành trình dấn thân đầy thách thức. Với mục tiêu giúp nhà nông giảm bớt cực nhọc, ông hạ quyết tâm nhân nhanh kiến thức tích lũy bằng cách tự nhận trách nhiệm dạy 7 môn học và hằng năm hướng dẫn 20 sinh viên ngành nông nghiệp làm tốt nghiệp.

Giáo sư Võ Tòng Xuân trong lần đi thực tế tại cánh đồng Tứ giác Long Xuyên đã ghé thăm và thân mật trò chuyện cùng nông dân trồng lúa. Ảnh: Lục Tùng

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, để có đủ tiền nuôi gia đình, ông phải làm thuê cho hãng nông dược bên ngoài với tư cách là cố vấn kỹ thuật. Bởi thực tế, mức lương trả cho giảng viên đại học lúc đó quá thấp.

Công việc tất bật, nhưng ông vẫn làm việc với tinh thần tận tâm phục vụ. Đáng kể là việc soạn giáo trình môn “Phổ triển” - tiền thân của bộ môn khuyến nông ngày nay và sáng tạo ra nhiều mô hình “khuyến nông cộng đồng”, được xem là “kinh điển” trên phạm vi toàn cầu.

Rời xứ hoa anh đào phút 89

Điều khiến cho nhiều người thêm kính trọng ở vị giáo sư đẳng cấp quốc tế này chính là việc ông đã vì cây lúa và người trồng lúa quê hương mà rời Nhật Bản vào phút 89.

Tháng 4.1975, trong lúc nhiều trí thức trong nước “rồng rắn” tìm đường ra nước ngoài thì ông làm ngược lại. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ Nông học tại Đại học Cửu Châu (Kyushu - Nhật Bản), có nhiều sự lựa chọn cho cuộc sống cá nhân ngay trên đất Nhật Bản, nhưng ông lại nhanh chóng tìm cách mua vé máy bay để hồi hương.

Giáo sư Võ Tòng Xuân trong những ngày đầu khai thác cánh đồng Đồng Tháp Mười. Ảnh: NVCC

Có lần ông kể với người viết bài rằng, lúc đầu cũng định mua vài món quà cho vợ con, nhưng nghĩ đến những điều mà cây lúa và hàng triệu người nông dân đang cần… thì hành trang quy cố hương của ông chỉ có sách và tài liệu về cây lúa.

Và ngay sau chuyến ngược dòng này, cuộc sống gia đình ông những ngày đầu thống nhất gặp vô vàn khó khăn. Nhưng trong cái khó, ông đã ló ra nhiều thành tựu. Nổi bật là chuyện chiến thắng giặc rầy nâu, sau này được xem như kỳ tích trong lĩnh vực trồng lúa trên phạm vi toàn cầu.

Giáo sư Võ Tòng Xuân thăm ruộng lúa tại huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Ảnh: Lục Tùng

Đầu năm 1976, nông dân ĐBSCL rơi vào khốn khó khi hầu hết các giống lúa cao sản đương thời như: TN73-2, IR26 bị cháy rầy nâu biotyp 2. Nhiều nơi, nông dân phải bán cả bộ lư, thậm chí cả tủ thờ để cứu lúa nhưng không có tác dụng. Qua liên lạc, ông được tiến sĩ Gurdev Khush (Viện IRRI) gởi 5gr hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện.

Sinh thời ông tâm tình, lúc đó lượng lúa giống nằm gọn trong bao thư trong khi ĐBSCL có hàng ngàn nhà nông cần. Vì vậy, để cứu nông dân, tôi phải nghĩ ra cách nhân giống nhanh nhất. Phương pháp cấy 1 tép/bụi do chính GS Xuân sáng tạo ra đời. Khi cây lúa được 3 nhánh, tiếp tục tách ra, rồi cấy 1 tép/bụi...

Với cách làm mới này, chỉ sau 3 tháng, từ 5gr hạt ban đầu, đã thu về 2 tấn giống. Đến đây, ông lại khai sinh mô hình khuyến nông mà trước đó chưa từng có trên toàn cầu. Đó là thuyết phục lãnh đạo Đại học Cần Thơ chấp nhận “đóng cửa toàn trường” để đưa sinh viên giúp nông dân.

Sau khi huấn luyện cấp tốc cho hơn 2.000 sinh viên 03 phương pháp cơ bản: Sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy và kỹ thuật cấy lúa 1 tép/bụi, rồi mỗi nhóm mang 1kg lúa giống để cấy ra 1.000m2. Cách này trái với tập quán lâu đời nên vấp phải phản ứng rất quyết liệt... Tuy nhiên khi biết tác giả là ông thì nông dân tin tưởng làm theo. Nhờ đó, chỉ trong 2 vụ trồng, giống IR36 đã phủ kín khắp các vùng lúa cao sản, nông dân trúng mùa.

Trận đánh “giặc rầy nâu” do ông “tổng chỉ huy” không chỉ toàn thắng, mà còn ghi dấu son vào lịch sử khuyến nông thế giới khi được nhiều chuyên gia nông nghiệp xem như sự kiện kinh điển và thường xuyên dẫn chứng tại nhiều hội nghị toàn cầu, châu lục…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn