MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đầu năm 2014 Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc sở NNPTNT Hà Giang) cùng một số cán bộ bị bắt vì hành vi tham nhũng.

Hà Giang: Chuyện người được thưởng gần 30 triệu đồng vì chống tham nhũng

Nguyễn Tùng LDO | 29/09/2022 09:08
Khi ông Phạm Ngọc Chuyển bắt đầu tố cáo những hành vi tham nhũng của một số cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang cũng là thời điểm những áp lực từ nhiều phía bủa vây.

Khảo nghiệm trên giấy

Trong câu chuyện với PV Lao Động, ông Phạm Ngọc Chuyển (1 trong 2 người tố cáo hành vi tham nhũng tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang) vẫn rất rành rọt trong từng chi tiết của vụ việc mà mình và người đồng nghiệp Phạm Văn Phú theo đuổi.

Ông Chuyển kể, vào khoảng năm 2008, Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc ký hợp đồng với Chi cục BVTV tỉnh Hà Giang để khảo nghiệm nhiều mẫu thuốc BVTV trên cây trồng tại các huyện. Nhưng suốt nhiều năm sau đó, việc này chỉ được thực hiện trên... giấy.

Ông Chuyển cho biết: "Năm 2013, tôi phát hiện ra vụ việc khi đi tăng cường về các địa phương. Hỏi anh em cán bộ tại huyện về việc khảo nghiệm lô thuốc mới lộ diện ra họ có làm thực tế đâu mà chỉ làm trên máy, trên giấy thôi. Nói thật, đây cũng chính là những cái độc quyền của lãnh đạo".

Ông Phạm Ngọc Chuyển và người đồng nghiệp đã không chùn bước, quyết định tố cáo hành vi sai trái của các cán bộ trong Chi cục TTBVTV Hà Giang. Ảnh: NVCC 

Chứng kiến việc làm sai trái đó, ông Chuyển bức xúc: "Nó rất nguy hại cho người nông dân, bởi kết quả khảo nghiệm trên giấy thì là giả, không đánh giá đúng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh của thuốc trên từng loại cây trồng, từng vùng khí hậu.

Nhưng nguy hiểm hơn là nó gây ra hiện tượng kháng thuốc của các loại sâu bệnh dẫn tới phá hại mùa màng, rồi ô nhiễm môi trường. Người nông dân nghèo vẫn là chịu thiệt hại nhiều nhất".

Lúc đó ông Chuyển chỉ nghĩ rằng, mình phải có trách nhiệm với người nông dân, với ngành nông nghiệp của tỉnh cũng như công tác khảo nghiệm thuốc tại Việt Nam. Đó cũng là lý do giúp ông quyết tâm phải đưa những sai trái đó ra trước ánh sáng, bằng mọi giá.

Không chùn bước

Quá trình tìm hiểu, ông Chuyển nhận ra rằng toàn bộ các kết quả khảo nghiệm đều là ký khống. Sau đó, ông và ông Phú (khi đó là đó là Trưởng phòng kỹ thuật) đã làm báo cáo gửi tới các cấp lãnh đạo. 

Theo lời ông Chuyển, sau khi nhận đơn, nhiều cuộc họp nội bộ đã diễn ra nhưng luôn trong tình trạng không có cán bộ hoặc người đứng đầu Chi cục đến tham dự với nhiều lý do khác nhau.

Vì không đầy đủ các thành phần nên không thể tiến hành cuộc họp. Nhiều người đã tin rằng sự việc sẽ sớm... chìm xuồng.

"Lúc đó gần như trong cả cơ quan chỉ có tôi và ông Phú là đứng một phía để đấu tranh. Nhưng chúng tôi đã quyết tâm làm thì phải làm bằng được, không thể chùn bước thỏa hiệp với cái sai được" - ông Chuyển nhớ lại. 

Những khảo nghiệm thuốc BVTV trên giấy sẽ gây hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của người nông dân đặc biệt tại những tỉnh nghèo, nhiều đồng bào dân tộc như Hà Giang. 

Sau những nỗ lực giải quyết nội bộ nhưng không nhận được sự hợp tác, hai cán bộ thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang đã quyết định báo cáo lên Sở nông nghiệp và Thanh tra tỉnh. Chi cục trưởng cũng có lần tìm gặp các ông để xin không tố cáo vụ việc nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu. 

Sau khi Sở Nông nghiệp vào cuộc, vụ việc được chuyển qua bên Công an tỉnh. Rồi lần lượt Chi cục trưởng, kế toán, cán bộ kỹ thuật làm khống hồ sơ khảo nghiệm bị bắt giữ, điều tra làm rõ hành vi sai phạm.

Nhớ lại giai đoạn đó, ánh mắt ông Chuyển nhìn về xa xăm, giọng nói như trùng xuống: "Bị sức ép từ Chi cục nhiều lắm, từ tất cả công nhân viên chứ. Thậm chí có người họ còn ghi đầy đủ họ tên của tôi và ông Phú lên giấy rồi mang vào trong đền chùa cầu khấn những thứ không hay.

Như tôi thì chỉ là nhân viên bình thường nhưng ông Phú thì khác, ông ấy chịu nhiều sức ép, vất vả hơn tôi nhiều. Những thành phần cơ hội trong Chi cục lúc đó đục nước béo cò. Cuối cùng ông Phú vẫn bị mất chức Trưởng phòng kỹ thuật".

Sau đó, vào tháng 5.2015, từ những bằng chứng không thể chối cãi, TAND tỉnh Hà Giang đã xét xử, tuyên phạt Nguyễn Đạt Sơn - nguyên Giám đốc Chi cục BVTV Hà Giang 14 năm tù giam; Hoàng Đình Hồng - kế toán Chi cục 10 năm tù giam; Đỗ Thị Thu Huyền - cán bộ kỹ thuật Chi cục tám năm tù giam về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bản án chỉ rõ, trong 4 năm (2009-2012), Sơn chỉ đạo Đỗ Thị Thu Huyền làm giả 345 báo cáo mẫu kết quả khảo nghiệm, quyết toán hơn 1,4 tỉ đồng. Sơn, Hồng, Huyền chiếm đoạt, chia nhau số tiền 218 triệu đồng. Số tiền còn lại các bị can sử dụng vào việc mua hóa đơn thuế môn bài và các mục đích khác.

Ngày 16.9.2022, Thanh tra Chính phủ có Quyết định số 331/QĐ-TTCP khen thưởng số tiền 149 triệu đồng cho 4 cá nhân tại Hà Giang có thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng.

Bao gồm các ông Phạm Ngọc Chuyển, ông Phạm Văn Phú (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang), ông Khuất Duy Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Đức (Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Hà Giang).

Theo quyết định này, ông Phạm Ngọc Chuyển được thưởng 29.800.000 đồng, tương đương 20 tháng lương cơ sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn