MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các khu chung cư bố trí đặt lò đốt vàng mã xa khu dân cư. Ảnh: Huyền Chang

Hà Nội: Bố trí lò đốt vàng mã cách xa các tòa chung cư để phòng hỏa hoạn

Phạm Đông - Huyền Chang LDO | 31/08/2020 19:18

Để phục vụ nhu cầu đốt vàng mã trong các ngày rằm, lễ, Tết... nhiều khu chung cư ở Hà Nội đã bố trí xây dựng, đặt các lò đốt vàng mã cách xa chung cư để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại Hà Nội, cứ đến gần ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, người dân lại có thói quen cúng rằm, đốt vàng mã (hóa vàng). Đây là  ngày lễ Vu Lan, một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, thể hiện tấm lòng "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đây cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh.

Ở các chung cư, để đáp ứng nhu cầu của người dân, ban quản lý các tòa nhà đã bố trí xây dựng và lắp đặt các lò đốt vàng mã để phục vụ cư dân. Các lò hóa vàng được đặt ở các xa các tòa chung cư hoặc được xây ở một góc khuất ít người qua lại.

Lò đốt vàng mã tại chung cư HH Linh Đàm. Ảnh:Huyền Chang

Ông Nguyễn Văn Tự - bảo vệ của tòa B, khu chung cư HH Linh Đàm cho biết: “Toàn bộ khu chung cư HH Linh Đàm có 12 tòa nhà, ban quản lý đã bố trí đặt 4 lò đốt vàng mã để phục vụ người dân”.

Cũng theo ông Tự, vì sắp đến ngày rằm tháng 7 nên nhu cầu cúng bái, hóa vàng của người dân tăng lên. Những tháng trước, hầu như thi thoảng mới phải dọn lò một lần. Nhưng từ đầu tháng bảy, ngày nào cũng phải có người dọn lò, vì lượng vàng mã được người dân đốt tăng vọt.

Nhu cầu cúng bái của người dân trong tháng 7 âm lịch tăng vọt. Ảnh: Huyền Chang

Còn anh Trần Tú An - cư dân của khu chung cư HH Linh Đàm chia sẻ: “Hôm nay, nhà tôi cúng nên tôi xuống hóa vàng. Vì ở chung cư nên chúng tôi không thể đốt vàng mã bừa bãi, chúng tôi cũng cố gắng đến lò đốt dù lò cách chỗ ở khá xa”.

Cũng theo chia sẻ, do diện tích ở nội thành không quá lớn nên các chung cư phải tính toán nơi đặt lò đốt vàng mã an toàn. Theo quan sát, 4 lò đốt vàng mã của chung HH Linh Đàm được đặt cách khu chung cư khoảng 20m, ngay gần mặt đường.

Lò đốt vàng mã nằm ngay sát đường lớn. Ảnh: Huyền Chang

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội), lượng vàng mã được đốt trong tháng bảy âm lịch cũng khá đông. 

Chị Vân Anh - cư dân tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ cho biết: "Rằm hàng tháng, nhà tôi sẽ đốt một cọc kim tiền theo đúng nghi lễ. Nhưng cứ rằm tháng 7, nhà tôi sẽ làm lễ cúng và mua nhiều vàng mã  để hóa vàng báo hiếu ông bà tổ tiên".

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, việc đặt lò đốt ở gần đường cũng gặp khá nhiều bất cập, ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông. Việc đốt vàng mã khiến tầm nhìn của các phương tiện bị hạn chế. Ngoài ra, việc này cũng gây nguy cơ cháy nổ đối với các phương tiện dừng đỗ ở gần khu vực đốt vàng mã.

Theo lực lượng cảnh sát PCCC, những vụ cháy thường chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân liên quan đến thắp hương thờ cúng như: Bố trí nơi thắp hương thờ cúng chật chội không đảm bảo khoảng cách PCCC, để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương dẫn đến việc khi xảy ra sự cố, rất dễ bắt cháy gây ra hỏa hoạn

Đối với việc đốt vàng mã, người dân thường đốt vàng mã ở vị trí không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, dễ tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, đốt trong các vật liệu dễ cháy, trong quá trình đốt không có người trông coi, tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh. 

Do đó, vàng mã phải được đốt trong các lư hương, các thùng, các đỉnh làm bằng vật liệu không cháy đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, đốt ở nơi thông thoáng. Khi đốt phải có người trong coi, phải đảm bảo tàn lửa tắt hẳn tránh để nguy cơ cháy xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn