MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Ảnh: BSCC

Hà Nội cảnh báo về số ca mắc tay chân miệng gia tăng

Tùng Giang LDO | 12/04/2021 19:36

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu rõ, dịch bệnh tay chân miệng đã có ở 28 quận huyện, và số ca mắc đang gia tăng.

Chiều 12.4, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội với các quận, huyện, thị xã; xã, phường thị trấn; liên quan đến dịch bệnh tay chân miệng, theo Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 18.436 trường hợp mắc với 4 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2020 số mắc cả nước tăng 4,3 lần.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho hay, đây là dịch bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn thành phố. Hàng năm ghi nhận từ 1 đến 3.000 trường hợp mắc tay chân miệng.

"Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 82 trường hợp mắc ở 28 quận, huyện, thị xã. Số mắc có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây và dịch bệnh này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi)", ông Hạnh thông tin.

Về dịch bệnh này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu rõ, dịch bệnh tay chân miệng đã có ở 28 quận huyện, và số mắc đang gia tăng. Do đó, ngoài việc phòng chống COVID-19, các đơn vị phải chú trọng phòng chống không chỉ dịch bệnh tay chân miệng mà cả các dịch bệnh khác trong lúc giao mùa như sốt xuất huyết.

Ông Chử Xuân Dũng kết luận tại phiên họp của BCĐ ngày 12.4 . Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền để người dân biết, nắm rõ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Ngoài ra, Sở Y tế đề nghị các quận huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Trung tâm y tế tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch cho giáo viên, học sinh; khuyến cáo phụ huynh; hướng dẫn nhà trường vệ sinh môi trường lớp học bằng xà phòng hoặc cloramin B; thông tin kịp thời các trường hợp mắc cho cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, xử lý dịch.

Địa bàn các khu vực cần tăng cường kiểm tra đôn đốc các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học và các nhóm trẻ, nhà trẻ gia đình để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh môi trường, cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, ăn sạch, ở sạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn