MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu chợ đầu mối Long Biên “không ngủ” những ngày giáp Tết Dương lịch. Ảnh: Lan Nhi

Hà Nội: Chợ đêm “không ngủ” những ngày giáp Tết Dương lịch

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 31/12/2020 06:41

Cứ càng gần những ngày cuối năm, nhiều sạp hàng tại khu chợ đầu mối Long Biên (TP. Hà Nội) lại chong đèn xuyên đêm để vận chuyển hàng hóa nông sản đi các tỉnh thành lân cận.

Từ 21h30 mỗi ngày, những chuyến xe tải từ các tỉnh thành lân cận: Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc... nối đuôi nhau, lầm lũi tiến vào cổng chợ Long Biên, Hà Nội. Đi vào sâu trung tâm chợ đầu mối, sạp hàng nào cũng tấp nập người mua bán. Người thì chăm chú bốc dỡ, đóng gói, người thì tất bật vận chuyển hàng hóa.

Do nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm, các mặt hàng nông sản như: Quả phật thủ, cam canh, dưa hấu, táo đỏ, thanh long, xoài keo... được các tiểu thương nhập về với số lượng lớn. Trong thời tiết giá lạnh, nhiều tiểu thương, phu chợ tại đây phải hoạt động hết công suất để hoàn thành công việc của mình.

Các tiểu thương cũng cho biết, do nguồn hàng ổn định nên giá của những loại hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên tương đối ổn định. Với những loại như thanh long, xoài cát thì giá trung bình từ 20 - 30.000 đồng/kg... Còn những loại khác như phật thủ, mít thì giá cao hơn.

Các mặt hàng nông sản Tết như thanh long, xoài keo, dưa hấu... được nhập về với số lượng lớn.

Cẩn thận sắp xếp lại các kiện hàng, anh Nguyễn Minh Hồng (sinh năm 1980, Hà Nội) chia sẻ, khu chợ đầu mối không chỉ là nơi để các tiểu thương đến buôn bán mà còn phục vụ bán lẻ theo nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo anh Hồng, vào những dịp cuối năm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, chợ Long Biên càng tấp nập, đông đúc hơn. Nhiều sạp hàng tại đây, trong ngày có khi phải liên tục nhập các mặt hàng nông sản đặc trưng trong dịp đầu năm mới.

Anh Nguyễn Minh Hồng tranh thủ kiểm kê lại hóa đơn xuất hàng trong ngày.

Vỏn vẹn chưa đầy 20m2 thế nhưng gian hàng của bà Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1967, Hà Nội) lúc nào cũng đầy ăm ắp hàng hóa. Mỗi ngày, gia đình bà xuất đi khoảng 1 tấn xoài keo, ngày cao điểm giao động khoảng 1.5 - 2 tấn/ngày. Do lượng hàng hóa nhập vào và xuất ra thay đổi từng ngày nên thu nhập từ việc kinh doanh cũng thay đổi.

Nữ tiểu thương cho biết, chặng đường các loại hoa quả, nông sản ở đây có thể đến tận tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều đầu mối. Nhiều người dân thường tranh thủ đi chợ sớm để mua hàng tươi ngon mà giá cả lại phù hợp.

Bà Hương tranh thủ bọc hàng cẩn thận trước khi chuyển cho các nhà xe.

Khác với nhiều khu chợ trên địa bàn TP. Hà Nội, càng về đêm, khu chợ đầu mối Long Biên càng náo nhiệt và đông đúc. Các tiểu thương phải tranh thủ thời gian khi đoàn xe tải tiến vào phải xuất hàng thật nhanh trước 6h sáng để đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Càng về đêm khu chợ càng tấp nập.
Làm nghề lâu năm và đã quen với nhịp sinh học, nên chuyện thức khuya dậy sớm đối với những tiểu thương là chuyện không đáng bàn. Tranh thủ những khoảng thời gian giao ca, chờ xe bốc dỡ hàng hóa, các anh em lại thay phiên nhau chợp mắt một vài phút trong tiết trời lạnh giá cuối năm.
Các đoàn xe tải nối đuôi nhau chuyên chở hàng nông sản ra vào chợ.

“Làm nghề bán hoa quả đã gần chục năm nay. Thời gian làm việc chủ yếu vào buổi đêm nên hai vợ chồng tôi cũng tranh thủ chút thời gian ban ngày kèm cặp con học tập. Có khi thì tranh thủ chợp mắt để thức cả đêm xuất hàng, vận chuyển cho các nhà xe.

Nhiều khi cũng tủi vì có quá ít thời gian dành thời gian cho con cái, nhưng vì miếng cơm manh áo nên cũng phải chịu. Càng về cuối năm công việc càng bận rộn nên con cái hầu như đều phải nhờ ông bà nội, bà ngoại chăm nom giúp” - tiểu thương Hoàng Thị Hương (sinh năm 1985, Hà Nội) tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn