MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ ngày 22.6, cửa hàng ăn/uống được mở cửa đón khách (đảm bảo giãn cách, bố trí tấm chắn, mở cửa không 21h hàng ngày...). Ảnh minh hoạ: Hà Phương

Hà Nội chưa đủ điều kiện nới lỏng hàng quán hoạt động sau 21h

Hà Phương LDO | 03/07/2021 09:52

Trao đổi với Lao Động, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết: "Hiện tại, CDC Hà Nội chưa có bất kỳ đề xuất nào về việc tiếp tục nới lỏng hoạt động phòng dịch. Quy định đóng cửa trước 21h với các dịch vụ ăn, uống trong nhà trên địa bàn là để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19".

Mở cửa đến 21h, hàng quán gắng gượng đủ duy trì

Sau gần 2 tuần các nhà hàng ăn, uống cà phê, cắt tóc... ở Hà Nội được phép hoạt động trở lại, trong đó được cho phép phục vụ ăn uống tại chỗ đến 21h hằng ngày, hoạt động kinh doanh của nhiều chủ quán đã dần đi vào ổn định.

Tuy nhiên, nhiều chủ quán ăn, nhà hàng trên phố Tống Duy Tân và ngõ Cấm Chỉ (thuộc phường Hàng Bông, Hà Nội) cho rằng, việc đóng cửa trước 21h đã làm mất đi lượng khách lớn, gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi đây cũng là thời điểm vàng của kinh doanh ẩm thực.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh vừa phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo ít nhất đủ kinh phí duy trì cửa hàng, bà Vũ Thị Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: "Tống Duy Tân là tuyến phố chuyên bán đồ ăn đêm, chỉ phục vụ khách từ 19h30 - 21h, cửa hàng mất đi lượng khách lớn. Nhiều quán ăn họ không mở vì mở ra không chắc đã đủ tiền trả lương cho nhân viên".

Đồng cảm với bà Hà, anh Trần Nhật Trọng (chủ quán cà phê, Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Việc chỉ bán hàng tại chỗ đến 21h khiến thu nhập cửa hàng giảm đi đáng kể. Với quy định này, hai vợ chồng tôi chỉ còn cách kiêm tất cả công việc từ pha chế, thu ngân, dắt xe, lau dọn bàn ghế... Mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để những người kinh doanh, người lao động có thể sớm ổn định".

Hà Nội yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: Hà Phương

Lý do chưa thể đón khách tại chỗ sau 21h

Lý giải về yêu của Hà Nội, hàng quán không được đón khách quá đông, đảm bảo khoảng cách và vách ngăn giữa người với người… ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho hay, khi cho kinh doanh muộn, lực lượng công an, chính quyền, tổ COVID-19 cộng đồng sẽ khó khăn hơn trong vấn đề kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định này.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh ở Hà Nội, Phó Giám đốc CDC Hà Nội thông tin: "Ngay sau khi thành phố cơ bản kiểm soát được dịch đã ra quyết định nới lỏng một số hoạt động. Những hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu sẽ được mở trước và đảm bảo nguyên tắc an toàn tới đâu nới tới đó".

Trước những băn khoăn, mong muốn của nhiều chủ hàng quán về quy định Hà Nội chỉ cho phục vụ khách tại chỗ đến trước 21h đối với các cửa hàng ăn uống, ông Khổng Minh Tuấn cho hay: "Quy định đóng cửa trước 21h với các dịch vụ ăn, uống trong nhà trên địa bàn là để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19".

Theo ông Tuấn, bây giờ là mùa bóng đá và đêm là thời điểm bắt đầu các trận đấu. “Hàng quán mở sau 21h đa số là các quán nhậu như quán bia hơi. Nếu để hàng quán mở muộn, việc tụ tập xem bóng đá, hò hét rất dễ xảy ra, không đảm bảo an toàn cho vấn đề phòng chống dịch. Thời điểm này, người dân nên tận hưởng các trận đấu ở nhà để đảm bảo an toàn” - ông Tuấn nói.

Về ý kiến nới lỏng thêm quy định, cho đón khách muộn hơn của một số cửa hàng, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh, quan điểm của Hà Nội là không thể vội vàng, phải cân nhắc, xem xét thật kỹ tình hình dịch bệnh và kiểm tra, đánh giá thận trọng nguy cơ bùng phát dịch.

Hiện tại, CDC Hà Nội chưa có bất kỳ đề xuất nào về việc tiếp tục nới lỏng hoạt động phòng dịch. Tới đây, nếu Hà Nội giảm dần các nguy cơ về dịch COVID-19, việc nới lỏng có thể được xem xét thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn