MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những địa phương "nguy cơ cao" chỉ được bán hàng ăn, uống mang về. Ảnh: Tô Thế

Hà Nội có những khu vực nào "nguy cơ cao", dừng bán hàng ăn uống tại chỗ?

Phạm Đông LDO | 20/12/2021 15:42

Hà Nội - Dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố được đánh giá phức tạp khi 5 ngày liên tiếp vượt mốc 1.300 ca mắc mỗi ngày. Số vùng "nguy cơ cao" tăng lên gần gấp đôi so với tuần trước khiến nhiều địa phương phải dừng bán hàng ăn uống tại chỗ.

Sau khi UBND TP.Hà Nội có thông báo về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn thành phố, có 2 quận có mức độ dịch ở cấp độ 3 gồm Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Tại quận Hoàn Kiếm, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã có thông báo về việc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo đó, UBND quận đã tổ chức đánh giá phân loại cấp độ dịch trong vòng 14 ngày (3.12-17.12), xác định quận có 5 phường (Cửa Đông, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Gai) ở cấp độ 3 - màu cam - nguy cơ cao về dịch COVID-19.

Vì vậy, quận Hoàn Kiếm yêu cầu 5 phường nêu trên tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoạt động sự kiện tập trung đông người. Đặc biệt, các nhà hàng, dịch vụ ăn uống trên địa bàn phường chỉ được phép bán hàng mang về. Các biện pháp nêu trên đã có hiệu lực kể từ 12h hôm qua (ngày 19.12).

Số ca mắc của Hà Nội trong những ngày qua. Ảnh CDC Hà Nội

Tại quận Hai Bà Trưng, vài giờ sau khi Hà Nội công bố cấp độ dịch, đổi màu từ vàng sang cam (cấp độ 3, nguy cơ cao), hoạt động thể dục thể thao ngoài trời sẽ tạm dừng trên địa bàn quận. Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang về.

Học sinh lớp 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Chính quyền quận Hai Bà Trưng yêu cầu hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin. Các đơn vị căn cứ số lượng công việc và mức độ lây lan dịch bệnh để tổ chức phương án làm việc phù hợp, khuyến khích bố trí người lao động làm việc luân phiên (trừ lực lượng vũ trang, y tế).

Người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà khi không cần thiết; không tập trung đông người; khai báo y tế; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở phải báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn khám và điều trị kịp thời...

Tại quận Hoàng Mai, 2 phường Thanh Trì, Vĩnh Hưng cũng thuộc cấp độ 3 nên đã đã điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng trên địa bàn.

Tại quận Tây Hồ, tại buổi họp về phòng chống dịch sáng 18.12, 2 phường ở mức độ 3 là Yên Phụ và Quảng An đã được đề nghị tạm dừng các hoạt động không thiết yếu, cửa hàng sẽ chuyển sang bán hàng mang về.

Trước đó, UBND quận Đống Đa đã có điều chỉnh các hoạt động không thiết yếu trên địa bàn kể từ ngày 13/12 để phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, từ 12h ngày 13.12, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Những người được tham gia các hoạt động phải là người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

UBND quận Đống Đa cũng yêu cầu dừng triệt để các nghi lễ, tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Ngày 20.12, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Nội hiện vẫn đang chủ động trong công tác phòng chống dịch, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, thách thức như lực lượng y tế còn mỏng, yếu tại tuyến y tế cơ sở. Để gỡ khó, thành phố đã huy động sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trung ương và y tế tư nhân.

Thành phố đã có giải pháp kích hoạt thêm trạm y tế lưu động, tuyên truyền, vận động người dân yên tâm điều trị tại nhà và điều phối kịp thời nhân lực, trang thiết bị. Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố đã có khuyến cáo và tính đến những giải pháp nghiêm ngặt hơn để phòng chống dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn