MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024. Ảnh: Tùng Giang

Hà Nội có thể được quyết định chủ trương dự án đầu tư công số vốn đến 20.000 tỉ

Huy Hùng LDO | 13/11/2023 07:30

Điều 43, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra quy định cho phép HĐND thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách với Thủ đô.

Phân cấp quyết định đầu tư

Điều 43 dự thảo nêu rõ, dự án trọng điểm của Thủ đô là dự án có quy mô lớn, có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa, kết nối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, vùng Thủ đô và cả nước. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định Danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô.

Tại điều 43 này, Chính phủ đề xuất HĐND TP Hà Nội được quyết định chủ trương dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỉ đồng; dự án sử dụng ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài; dự án đầu tư công liên tỉnh nằm trong vùng Thủ đô.

Dự thảo cũng phân quyền cho UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng theo Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao như dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Tăng số đại biểu HĐND lên 125

Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỉ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% (khoản 2 Điều 9). Đây là một giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Ngoài 38 nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nếu được phân quyền mạnh mẽ như trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), số lượng nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố Hà Nội dự kiến sẽ tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn.

HĐND TP Hà Nội có thể được tăng số đại biểu lên 125.

Nếu xét về tỉ lệ, hiện nay tỉ lệ đại biểu HDND Thành phố trên dân số Thủ đô đang ở mức gần 90.000 người dân/1 đại biểu, trong khi bình quân chung của cả nước vào khoảng 26.500 người dân/1 đại biểu. Mặt khác, với việc không tổ chức HĐND phường, số lượng đại biểu HĐND các cấp của Thành phố đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của Thành phố phát triển thành quận.

Do đó, yêu cầu đặt ra là tổ chức, cơ cấu bộ máy của HĐND Thành phố, nhất là đội ngũ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cũng phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND từ 02 lên 03 Phó Chủ tịch (khoản 3 Điều 9), mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng hoàn toàn phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nhân lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; bảo đảm sự tương đồng trong hệ thống chính trị và bộ máy thực thi nhiệm vụ của chính quyền Thủ đô hiện nay.

Hà Nội muốn chủ động quyết định biên chế cán bộ

Việc có cơ chế để Thành phố được chủ động quyết định biên chế, bảo đảm khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao là cần thiết. Theo quy định hiện nay, việc quản lý biên chế hành chính do Chính phủ quyết định; biên chế sự nghiệp do chính quyền địa phương quyết định sau khi trình xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. Việc xác định số lượng biên chế căn cứ trên cơ sở Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Hà Nội, việc giao biên chế chưa thực sự hợp lý vì chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết về biên chế của Thành phố. Theo số liệu mà Tờ trình số 512, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cung cấp, thì so với tổng biên chế được giao năm 2015, tổng số biên chế hành chính được giao năm 2021 đã giảm 15,65%; biên chế viên chức (hưởng lương ngân sách nhà nước) được giao năm 2021 giảm 10% so với năm 2015. Biên chế giảm nhưng số lượng công việc không giảm mà còn có xu hướng gia tăng dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ đối với công chức, viên chức Thành phố rất lớn, đặc biệt đối với công chức.

Nếu tính theo số dân/biên chế công chức thì hiện nay ở Hà Nội là: 1.016 người dân/01 công chức (trong khi trung bình tại 63 tỉnh, thành phố hiện nay (tính đến tháng 6/2021) là 686 người dân/01 công chức. Chính vì vậy, quy định việc phân quyền cho Thành phố được chủ động trong việc quyết định số biên chế tăng thêm sẽ tạo được cơ sở pháp lý cần thiết giúp bảo đảm nguồn nhân lực công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô.

UBND TP Hà Nội cho biết, nếu quy định như tại Dự thảo là “giao cho HĐND Thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” là chưa rõ ràng, chưa rõ cơ quan nào có thẩm quyền quyết định, chưa rõ biên chế dự phòng lấy từ nguồn nào. Vì vậy, nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền Thành phố.Quy định như vậy sẽ giúp Thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ tùy vào nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn