MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phun thuốc dập dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: PV

Hà Nội còn gần 80% cơ sở giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ

H.Nguyên LDO | 19/09/2019 10:39

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến rất phức tạp. Đáng lo ngại, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công diễn ra tại nhiều nơi. Đây cũng là nguyên nhân dịch tả lợn Châu Phi chưa thể dập tắt...

Dịch bệnh xảy ra tại 29.385 hộ chăn nuôi

Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố đã xảy ra tại 29.385 hộ chăn nuôi (chiếm 36,4% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.321 thôn, tổ dân phố của 447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 509.483 con (chiếm 27,2% tổng đàn) với trọng lượng 34.994 tấn. Tổng số lợn nái, lợn đực giống mắc bệnh, tiêu hủy là 66.785 con, chiếm 13% tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy. Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn có diễn biến phức tạp. 

Do thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của các cấp chính quyền, ngành chức năng, tình trạng giết mổ gia súc gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm diễn ra phổ biến.

Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 749 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, có 220 cơ sở giết mổ lợn, 61 cơ sở giết mổ trâu, bò và 456 cơ sở giết mổ gia cầm.

Trong tổng số 220 cơ sở giết mổ lợn, chỉ có 47 cơ sở (chiếm 22%) có quy mô công nghiệp – bán công nghiệp, còn lại chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, không được kiểm soát. Tại 61 cơ sở giết mổ trâu bò, cũng chỉ có 11 cơ sở được cấp mã số kiểm soát giết mổ (chiếm tỉ lệ 18%), còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (1 - 2 con/ngày) chưa được kiểm soát.

Đối với 456 cơ sở giết mổ gia cầm, hiện chỉ có 39 cơ sở giết mổ lớn, quy mô tập trung được kiểm soát, còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát.

Cần quy hoạch giết mổ công nghiệp tập trung

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, ngành Thú y tập trung tham mưu đề xuất thành phố hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín.

Mỗi huyện có các điểm giết mổ tập trung, từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

"Để giảm dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cần tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cho lĩnh vực giết mổ, nhất là ở các huyện có chăn nuôi lớn như Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên...." - ông Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất.

Với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của thành phố Hà Nội ước khoảng 324.000 tấn/năm, khoảng  900 tấn/ ngày. Lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn thành phố được kiểm soát khoảng 515 tấn/ngày, đáp ứng khoảng 60 % nhu cầu cần tiêu thụ. Phần còn lại (khoảng 40%), được cung cấp bởi các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong khu dân cư và nhập từ các tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn