MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe dù đón khách tại bến cóc cổng công viên Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Hải NGuyễn

Hà Nội đặt hạn chót để xóa xe dù, bến cóc

Đặng Tiến LDO | 05/05/2021 11:33
Theo đại diện Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, việc kiểm tra xử lý, xoá các điểm xe dù bến cóc và xử lý nghiêm lái xe sử dụng rượu bia và ma tuý là kế hoạch xuyên suốt trong năm 2021. Trước mắt sẽ xoá xe dù, bến cóc tại khu vực Bến xe Mỹ Đình và sẽ đặt ra từng giai đoạn cụ thể với các bến xe khác.

Quyết dẹp xe dù, bến cóc

Cùng với việc tăng cường, bố trí đủ phương tiện đảm bảo an toàn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Thanh tra Sở GTVT và Sở Y tế) để kiểm tra hoạt động vận tải khách và các vi phạm về xe dù, bến cóc trên địa bàn thành phố đang diễn ra rất phức tạp, nhất là vào các dịp lễ Tết và các ngày nghỉ cuối tuần.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội - ông Cao Văn Hiệp - một trong những nguyên nhân chính do các phương tiện trên địa bàn thủ đô tăng rất nhanh kể cả về số lượng phương tiện và biểu đồ tuyến, hành trình phương tiện đi qua Thủ đô.

Với thực trạng như vậy, lực lượng thanh tra đã tham mưu với Sở GTVT để ban hành các kế hoạch trong công tác kiểm tra xử lý trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vận tải khách liên tỉnh, xe khách hợp đồng và tuyến cố định trên địa bàn Thủ đô.

Trước thực trạng này, thanh tra giao thông Hà Nội đã bố trí lực lượng túc trực 24/24h xung quanh các bến xe và các tuyến đường cửa ngõ ra vào thủ đô. Phối hợp với các bến xe xử lý mạnh các vi phạm ATGT trong bến. Do đó, trong thời gian vừa qua hiện tượng xe dừng đỗ đón trả khách giảm đáng kể, các xe vào bến đón khách đúng quy định đã cao, hành khách đã dần trở lại bến.

Liên quan đến việc xe dù, xe “rùa bò” đón khách tại khu vực các bến xe, đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc kiểm soát xe dù cũng rất khó khăn vì hiện có 5 loại hình vận tải khách: Tuyến cố định, hợp đồng, xe công nghệ, xe buýt, taxi. Đối với xe tuyến cố định đã quy định đầy đủ cụ thể, chỉ được phép đón trả khách tại bến và các tuyến đường đã có quy định và sự kiểm soát xe cố định rất chặt chẽ.

Nhưng đối với xe hợp đồng, hoạt động như xe cố định, thường dùng các trụ sở, văn phòng gần bến xe, các tuyến đường trung tâm thương mại, các trường học, bệnh viện… việc phát triển xe hợp đồng rất nhanh, khó khăn nhất khi xử lý vì có nhiều văn bản pháp luật. Nhà xe chỉ cần đăng ký kinh doanh và hợp đồng với hành khách là có thể đón trả khách đây là khó khăn cho lực lượng kiểm tra mà không thể xử lý được.

“Các xe hợp đồng luôn đối phó với lực lượng chức năng khi kiểm tra với các bản hợp đồng đưa đón nhân viên của các cơ quan đơn vị hoặc hợp đồng với hành khách, trong khi đó lực lượng thanh tra quá mỏng, toàn thành phố chỉ có 540 người chia làm 30 đội chủ yếu ở các tuyến đường cửa ngõ, các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa, Gia Lâm và Mỹ Đình” - ông Cao Văn Hiệp cho biết.

Hết tháng 6.2021 sẽ xoá được xe dù

Qua thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2021 lực lượng thanh tra giao thông của Hà Nội đã lập biên bản và xử lý trên 2.000 vụ việc với mức phạt trên 3 tỉ đồng. Riêng tại khu vực bến xe Mỹ Đình bố trí 5 đơn vị phối hợp với cảnh sát giao thông đội 6 và Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy để đảm bảo TTATGT và chia các ca nhỏ theo khung giờ với mỗi ca trực 20 cán bộ và mỗi đơn vị cắt cử 5 người.

Theo ông Cao Văn Hiệp, với mục tiêu đặt ra là kiểm tra xử lý và xoá các điểm xe dù bến cóc, nhưng lực lượng hạn chế nên phải xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn và hết tháng 6.2021 sẽ xoá được xe dù, bến cóc tại khu vực Bến xe Mỹ Đình. Còn các bến xe khác cùng đang triển khai và đây là kế hoạch xuyên suốt trong năm 2021.

Cùng với việc dẹp bến cóc, xe dù, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra, xét nghiệm tìm chất ma túy đối với lái phụ xe vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định và lái xe buýt; kiểm tra điều kiện phương tiện và người lái; công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các phương tiện trước khi xuất bến.

Tuy nhiên để kiểm soát chặt việc lái phụ xe sử dụng ma tuý và có nồng độ cồn khi tham gia giao thông, ông Cao Văn Hiệp cho rằng, cần có sự phối hợp với các Sở GTVT tỉnh bạn, các doanh nghiệp vận tải và nhất là các lái xe cần thực hiện nghiêm các quy định. Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm trong vận tải khách để đảm bảo quyền lợi cho hành khách. Từ nay đến cuối năm 2021, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra theo kế hoạch và tổ chức kiểm tra đột xuất nhằm phòng ngừa và từng bước loại bỏ tình trạng lái xe sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn gây tai nạn giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn