MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), một trong những điểm đen về ùn tắc giao thông tại Thủ đô. Ảnh: Phạm Đông

Hà Nội dẹp 8 điểm ùn tắc lại phát sinh thêm 10 điểm mới

PHẠM ĐÔNG - THU HIỀN LDO | 03/12/2022 07:25

Nhiều năm qua, Hà Nội chi ngân sách hàng nghìn tỉ đồng để chống ùn tắc giao thông nhưng ùn tắc lại có phần gia tăng - không chỉ gây áp lực lên hạ tầng giao thông mà còn gây bức xúc trong dư luận nhân dân, tạo  sức ép vô hình lên cơ quan quản lý và lực lượng chức năng trong việc xử lý.

Hơn 30 điểm ùn tắc vào giờ cao điểm, chủ yếu khu vực nội thành.

Với các tuyến phố từ Vành đai 3 trở vào, ùn tắc giao thông là nỗi ám ảnh với người dân mỗi khi phải ra đường. Có những lúc, đoạn đường về nhà còn vài trăm mét, nhưng người dân phải mất hàng tiếng đồng hồ mới về tới nhà.

Theo lãnh đạo Đội CSGT số 7 - Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - CA TP.Hà Nội, nguyên nhân ùn ứ tại nút Thanh Xuân và một số tuyến đường khác trên địa bàn là do lưu lượng phương tiện quá đông, một số khu vực lại có hàng rào thi công dẫn đến thu hẹp lòng đường, gây ùn ứ, tắc nghẽn.

Báo cáo của Sở GTVT Hà Nội mới đây nêu rõ, đến nay, địa bàn thành phố có hơn 30 điểm ùn tắc vào giờ cao điểm, chủ yếu trong khu vực nội thành. Đáng chú ý, trong năm 2022, đơn vị này đã xử lý được 8 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng lại dự báo có thêm 10 điểm ùn tắc thường xuyên mới phát sinh.

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho biết, để giải quyết hơn 30 điểm ùn tắc trên, Sở GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột, bố trí các lực lượng hướng dẫn giao thông, nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc. Ngành giao thông vận tải sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải, xử lý tình trạng các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi xe lên vỉa hè...

Giám đốc Sở GTVT coi đây là giải pháp tích cực nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, tạo hiệu quả răn đe các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Sở GTVT cũng đưa ra giải pháp xén vỉa hè, dải phân cách, mở rộng tối đa mặt đường, tăng khả năng thông hành cho các phương tiện. Đồng thời, xén mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút.

Ùn tắc cũng vì lô cốt chiếm đường, xe cá nhân

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, để giải quyết vấn đề giao thông ở thành phố là vấn đề tổng thể, không phải giải quyết từng chỗ một. Thành phố và các cơ quan chuyên môn phải có dự báo, nghiên cứu trước để chống ùn tắc giao thông. Bởi khi giải quyết ùn tắc ở một chỗ nghiêm trọng thì có thể xuất hiện ùn tắc giao thông ở một số chỗ khác lân cận, nhưng tính chất có thể giảm đi hoặc không nghiêm trọng bằng.

Do đó, nếu chúng ta có sự nghiên cứu, dự báo đầy đủ từ trước thì nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông sẽ giảm bớt. Nếu như gặp khó khăn thì ta phải nghiên cứu điều chỉnh lại cơ sở hạ tầng sao cho đáp ứng được nhu cầu, ví dụ như xây cầu vượt, hầm chui, mở rộng đường, xén vỉa hè...

Về giải pháp chống ùn tắc tại các điểm đen, ông Tạo cho biết, thứ nhất cần tập trung công tác quy hoạch giao thông, sao cho số lượng và quãng đường đi lại của mọi người giảm đi. Tiếp theo là phát triển hạ tầng để nâng cao việc thông hành của các phương tiện và tổ chức giao thông hợp lý. Đặc biệt, phải phát triển phương tiện giao thông công cộng, giảm bớt phương tiện cá nhân, từ đó hạn chế ùn tắc giao thông.

"Tối ưu hóa các dịch vụ xã hội lại gần với nhau như trường học, bệnh viện, siêu thị,… để hạn chế việc đi lại của người dân. Ví dụ như việc người dân đưa con đi học ở cự ly gần thì có thể để cho các cháu tự đi bộ, mở xe buýt học đường để giảm bớt phương tiện di chuyển. Hoặc một số công việc online có thể giải quyết bằng công nghệ" - ông Tạo cho hay.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy chỉ ra thực trạng trên địa bàn thành phố còn rất nhiều dự án khác vẫn đang rào chắn nhưng tiến độ thi công rất ì ạch, thậm chí có lúc công trường bỏ hoang thời gian dài. Có thời điểm, gần 1/3 số “điểm đen” ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội là do rào chắn hè, đường... phục vụ thi công các công trình hạ tầng giao thông đô thị.

Theo ông Thủy, điều đầu tiên Hà Nội cần thực hiện là làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ. Những dự án giao thông chậm trễ do đâu, do ai, chịu trách nhiệm như thế nào? Những công trình rào chắn hè đường mà không đảm bảo tiến độ, gây ùn tắc giao thông, bức xúc trong dư luận phải kiên quyết bị dỡ bỏ. Đặc biệt, không thí điểm tổ chức giao thông nửa vời, đã làm phải làm “điểm”, làm để thấy rõ lợi - hại.

Ông Thủy cho biết, cần chú trọng vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa cơ sở vật chất giao thông và cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ. Ngoài ra, mở rộng các cửa ngõ của thành phố, mặt cắt khoảng 40-50m thì mới có khả năng chống được ùn tắc. Tiếp theo, phải tổ chức giao thông tốt hơn bởi hiện nay, một số ngã tư đèn xanh, đỏ không hợp lý. Cuối cùng, là quy hoạch đô thị phải phù hợp, nhiều nơi đang xây dựng quá nhiều nhà cao tầng mà không chú ý đến hạ tầng giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường. Đó là quy hoạch "lỗi" của đô thị hiện đại ngày nay - ông Thủy nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn