MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy mô dân số 4 quận nội thành của Hà Nội qua các năm và dự kiến đến 2030 (đơn vị tính: 1.000 người).Đồ họa: TKTS

Hà Nội: Di dời 215.000 dân ra khỏi 4 quận nội đô bằng cách nào?

M. Bằng - Tùng Giang LDO | 23/03/2021 07:10

Mục tiêu trong quy hoạch nội đô lịch sử mà Hà Nội công bố hôm 22.3 là giảm dân số ở 4 quận nội thành Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Cụ thể đến năm 2030 sẽ có ít nhất 215.000 người dân sẽ phải rời nội thành. Trong khi dân số Hà Nội mỗi ngày một tăng tạo áp lực lớn lên hạ tầng, giao thông thì việc giữ được dân số như hiện tại đã khó, chưa nói tới việc giảm dân ở nội thành.

Càng quy hoạch, dân càng… tăng

Khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 cách đây 10 năm, dân số Hà Nội lúc đó chỉ 6,763 triệu người. Đến năm 2019, qua cuộc tổng điều tra dân số, Hà Nội đạt trên 8 triệu dân. Nếu mức tăng dân số của Hà Nội trung bình 3%/năm thì ở thời điểm hiện tại, dân số “có hộ khẩu Thủ đô” sẽ đạt khoảng 8,6 triệu người. Nếu tính cả lao động tạm trú, học sinh tỉnh ngoài vào Hà Nội học đại học, hiện tại, Hà Nội đã đạt 11 triệu người.

Trong đó, riêng số dân thực tế ở 4 quận trung tâm là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là 1,1 triệu người.

Theo quy hoạch mới được Hà Nội công bố, từ nay tới 2030, dân số ở 4 quận nội thành này chỉ còn 672.000 người. Như vậy trên giấy tờ, Hà Nội phải cùng lúc làm hai việc: Ngăn mức tăng dân số cơ học và tìm cách giảm khoảng 215.000 người. Thực tế để đạt mức như quy hoạch, Hà Nội phải tính chuyện di dời trên 500.000 dân ra khỏi nội đô. Đây là một con số khổng lồ.

Giảm bằng cách nào?

Nhằm giảm dân số khu vực nội đô từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân, từ năm 2018, tại một cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia của Hà Nội đã từng đưa ra ý tưởng là không bán nhà cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội cho người ngoại tỉnh (không có hộ khẩu thường trú), mà chỉ được bán cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án hoặc phục vụ di dân phố cổ.

Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị phản đối, lý do: Không phù hợp với luật và các quy định hiện hành như Luật Cư trú và những luật liên quan khác như Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự…

Đặc biệt Luật Cư trú với nội dung bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương để bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân. Tuy nhiên cũng dấy lên lo ngại về việc bỏ quy định này, mật độ dân số ở các thành phố lớn, đặc biệt nội đô lịch sử sẽ tăng lên. Trao đổi với PV Lao Động, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội - nói rằng, để không gia tăng dân số cơ học và gây nhiều áp lực lên các thành phố lớn, cần phải đồng bộ với các chính sách khác về an sinh xã hội. Việc quá tải phải tính trong điều kiện cụ thể, từng địa phương cụ thể để có các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở ưu tiên việc thu hút lao động chất lượng cao.

Ông Thanh cho rằng: “Ta lo ngại những vấn đề về trường học, bệnh viện nhưng bây giờ chúng ta xã hội hoá chủ trương đó rồi. Có thể có những trường học, bệnh viện ngoài công lập. Khi bỏ quy định riêng này, chính quyền cũng phải đầu tư thoả đáng nhu cầu của người dân dù ở đâu trên đất nước này đều phải đảm bảo. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải có cơ chế chính sách giãn bớt mật độ dân số trong nội đô, thiết lập các khu đô thị vệ tinh… Đây cũng là xu hướng chung của nhiều quốc gia khác trên thế giới”.

Đô thị vệ tinh có cứu được áp lực dân số lên nội đô?

Theo đồ án quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm. Đó là các đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ… Dự báo dân số đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 24.300ha, đất dân dụng khoảng 6.300ha. Năm 2030 có dân số khoảng 1,3 - 1,4 triệu người. Dân số các đô thị vệ tinh từ nay đến năm 2030 phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng giai đoạn.

Đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo. Đô thị vệ tinh Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung.

Thế nhưng sau 10 năm, hệ thống đô thị vệ tinh này gần như… bất động. Chỉ có Hòa Lạc đã được Thủ tướng duyệt quy hoạch, hiện có một số tòa nhà của các tập đoàn công nghệ, trường đại học, nhưng các tòa nhà mới chỉ lấp đầy khoảng 20% diện tích quy hoạch. Trong khi đó, 4 đô thị còn lại là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn đến nay vẫn chưa được Hà Nội phê duyệt quy hoạch, vì thế chưa đầy đủ pháp lý, cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư.

Trong một lần trao đổi với Lao Động về việc các đô thị vệ tinh, sau 10 năm quy hoạch vẫn đìu hiu, PGS-TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư - cho rằng, khi xây dựng quy hoạch vùng Hà Nội, mục tiêu quan trọng khi quy hoạch các đô thị vệ tinh là giãn dân nội đô sang các đô thị này. “Tuy nhiên, đến nay ai cũng thấy, nội đô Hà Nội đang lâm vào quá tải và ô nhiễm không khí nặng nề. Điều này đã được cảnh báo trong quy hoạch chung 2008, thể hiện ở nội dung giãn quy mô dân số và cấm xây siêu cao tầng ở trung tâm. Nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại” - PGS Nguyễn Hồng Thục nói.

Sáng 22.3, tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, tỉ lệ 1/2000 tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Về tổng thể, quy hoạch gồm 6 đồ án phân khu đô thị nội đô lịch sử H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4; có quy mô nghiên cứu trên 2.700ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Theo đồ án, không gian nội đô lịch sử được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Với khu vực xây dựng công trình cao tầng, thành phố sẽ ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe. Tổng diện tích đất theo quy hoạch khoảng 2.709,75ha.

Đáng chú ý, trong đồ án mới có nhắc đến vấn đề hình thành không gian ngầm, trong đó các khu vực đầu mối ga ngầm đường sắt đô thị được nghiên cứu theo mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (TOD). Hình thành các tuyến đường đi bộ ngầm kết nối với các công trình công cộng ngầm, ga ngầm với đầu mối TOD...Thành phố sẽ phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại khu vực nội đô lịch sử, các chuỗi đô thị Bắc sông Hồng, phía đường vành đai 4 và các khu đô thị vệ tinh hình thành cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội hoàn chỉnh sẽ hút dần dân số khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng chuyển ra ngoại thành.

Về bãi đỗ xe, thành phố nghiên cứu xây dựng ngầm kết hợp trong các khu cây xanh công viên, vườn hoa, quảng trường có điều kiện thuận lợi về mặt bằng, đất đai, công trình công cộng lớn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn