MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau một thời gian đóng cửa do dịch COVID-19, các di tích, đền chùa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội mở cửa đón khách trở lại từ ngày 8.3. Ảnh: LĐO

Hà Nội: Di tích, đền chùa đón khách trở lại trong điều kiện an toàn

Hương Mai LDO | 09/03/2021 06:46
Theo ghi nhận của phóng viên, tinh thần tập trung bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch để mở cửa đón khách trở lại của một số di tích, đền chùa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được thực hiện rất nghiêm túc, chặt chẽ; các cơ sở di tích, đền chùa lớn đều được phun khử khuẩn, vệ sinh, chuẩn bị nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt...

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội đã đồng ý với đề xuất mở cửa các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng để hoạt động trở lại từ 8.3, với điều kiện phải thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, mở cửa các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là cần thiết để đáp ứng nguyện vọng của người dân dịp đầu năm. Việc nới lỏng các hoạt động cần thận trọng và dựa trên cơ sở phân tích kỹ tình hình trên từng địa bàn cụ thể. Lãnh đạo thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Tôn giáo thành phố cùng các quận, huyện căn cứ tình hình dịch tại địa phương chủ động quyết định thời gian mở cửa, nhưng “tuyệt đối không tổ chức lễ hội”.

Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, đã phun thuốc khử trùng toàn bộ, chuẩn bị an toàn cho việc đón khách với yêu cầu khách tham quan quét mã QR-Code để khai báo y tế trước khi vào di tích. Cùng với đó, các pano tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế được đặt tại các vị trí thuận tiện, dễ thấy, đồng thời cho phát băng liên tục nhắc nhở du khách thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch bệnh.

Tại chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ), đã chuẩn bị đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo chỉ đạo.

Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò sẵn sàng chào đón khách tham quan; trong đợt trở lại lần này, di tích sẽ mở cửa cả tuần từ 8h-17h, không nghỉ trưa.

Sau khi biết các di tích, đền chùa hoạt động trở lại, nhiều người dân vô cùng phấn khởi bởi sau thời gian dài đứng ngoài vái vọng, đến nay, họ đã được trực tiếp vào trong dâng lễ. Bà Trần Thị Thường ở khu vực phủ Tây Hồ cũng như những người dân quanh đây cảm thấy vô cùng phấn chấn khi đón nhận thông tin thành phố cho phép các cơ sở tôn giáo, di tích được mở cửa trở lại từ ngày 8.3 nếu thực hiện đầy đủ các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19. “Chúng tôi vô cùng phấn khởi và sẽ luôn nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, giữ giãn cách tối thiểu 1m để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Dịch bệnh đã được kiểm soát, dù vui mừng đến mấy, thế nhưng, chúng tôi không cũng được phép chủ quan mà phải tiếp tục nâng cao ý thức chống dịch” bà Thường cho biết.

Phủ Tây Hồ đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, huy động lực lượng nhắc nhở người dân. Nếu lượng khách dồn về quá đông trong cùng một thời điểm thì có thể tạm dừng hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, về các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể khi chùa Thầy mở cửa trở lại, huyện đã có phương án cụ thể trong trường hợp khách thập phương về lễ Phật đông.

Để đảm bảo an toàn cho người dân khi đến tham quan, chiêm bái tại các di tích, đền chùa Hà Nội trong những ngày mở cửa trở lại, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội tiếp tục có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức tôn giáo, người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, hạn chế tập trung đông người, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế theo mã QR code... Các nghi lễ tôn giáo, thuyết giảng đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tổ chức tại cơ sở thì nên giảm quy mô, chia nhỏ thành nhiều buổi và bảo đảm giãn cách 1m giữa người với người...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn