MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chủ quán karaoke mong ngóng từng ngày được mở cửa trở lại. Ảnh: Vương Trần

Hà Nội dừng đánh giá cấp độ dịch: Karaoke, quán bar... vẫn "chết lâm sàng"

Phạm Đông LDO | 03/04/2022 17:16
Hà Nội - Mặc dù Hà Nội nhiều tuần nay đã không còn đánh giá cấp độ dịch và nhận định COVID-19 đã qua đỉnh dịch, nhưng các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar... thì vẫn chưa được phép mở cửa trở lại. Nhiều cơ sở có nguy cơ phá sản, trong khi một số khác đang phải hoạt động "lén lút".

Vũ trường, karaoke... "chết lâm sàng"

Gần một năm phải đóng cửa để phòng dịch COVID-19 (0h ngày 30.4.2021), cửa hàng karaoke của anh Trương Mạnh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ phá sản. Bởi đến nay, hầu hết các dịch vụ ăn uống, vui chơi công cộng đã được mở lại nhưng các quán bar, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn lâm vào cảnh "chết lâm sàng".

Theo anh Hùng, khoảng 1 năm ngừng hoạt động, chỉ tính riêng chi phí mặt bằng và bảo dưỡng cũng tốn hơn tỉ đồng. "Không hoạt động thì lấy đâu ra tiền, tôi phải đi vay để bù vào. Nếu tình trạng này còn kéo dài thêm nữa thì khả năng là phá sản”, anh Hùng nói và cho rằng, khi không còn vùng “xanh, vàng, cam, đỏ" thì không có căn cứ nào cấm các dịch vụ này hoạt động.

Tương tự, anh Lê Trung Nguyên (38 tuổi, Đống Đa) cho biết, để duy trì được địa điểm sau thời gian dài hoạt động, hầu hết đều phải đi vay để lấy kinh phí duy trì. Trong thời gian giãn cách xã hội, tiền mặt bằng còn được hỗ trợ, giảm từ 10-20% nhưng hiện tại khi kéo dài quá lâu đã không còn được hỗ trợ.

Quán karaoke trên đường Trần Duy Hưng đang đóng cửa vì Hà Nội chưa cho phép dịch vụ karaoke, spa, massage hoạt động.

Bản thân anh Nguyên cứ ngỡ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP để "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" thì mọi thứ dường như đã quay trở lại như bình thường. Do vậy, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư gần 2 tỉ đồng cho việc tân trang lại cửa hàng nhưng quán vẫn đóng cửa suốt thời gian dài, giờ đồ đạc, thiết bị trong quán không khác gì đống phế liệu.

Cửa hàng của anh cầm cự đến nay đã đạt giới hạn chịu đựng, nhiều lần hy vọng chính quyền sẽ cho hoạt động trở lại, nhưng mãi chưa có thông tin chính thức. 

Để gỡ gạc lại một phần phí thuê nhà, một số quán karaoke đã chuyển đổi hình thức kinh doanh như cho thuê mặt bằng tầng 1, chuyển đổi sang hàng quán khác như bán phở, bán đồ ăn sáng...

Ngoài ra, đã có những hình thức để loại hình này hoạt động "nửa kín nửa hở". Một số địa chỉ karaoke trên địa bàn thành phố vẫn nhận khách. Khánh đến cánh cửa cuốn được kéo lên để đón khách rồi lại được đóng lại ngay lập tức.

Đã đến lúc Hà Nội nên cho karaoke hoạt động trở lại

Hà Nội đã giảm từ hơn 30.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày xuống còn khoảng 7.000 nghìn ca/ngày trong cả tuần nay. Bên cạnh đó, tính đến thứ 6 tuần vừa qua (1.4), Hà Nội đã có 4 tuần liên tiếp không đánh giá, thông báo cấp độ dịch COVID-19. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên cho phép dịch vụ karaoke hoạt động trở lại giống như các dịch vụ khác.

Các quán karaoke, bar... đang bị “bỏ rơi“.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu quan điểm, tại Hà Nội, số ca COVID-19 đã giảm sâu, chúng ta xác định sống chung với dịch rồi thì vẫn nên cho các dịch vụ hoạt động trở lại. Vì việc dừng quá lâu ảnh hưởng đến người dân rất nhiều, trong khi vốn đầu tư không hề nhỏ.

Theo ông Nga, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước để kịp thời chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Vì thế, việc cho phép karaoke được hoạt động trở lại là phù hợp.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, thành phố đã chuyển trạng thái chống dịch từ việc theo yếu tố nguy cơ sang hình thức đề cao biện pháp phòng vệ cá nhân. Ở quy mô toàn thành phố thì khống chế số ca nặng, số ca tử vong. Do không phải phân vùng theo màu nữa nên các hoạt động trở lại gần như bình thường.

Do vậy, Hà Nội nên mở cửa trở lại dịch vụ karaoke trong bối cảnh đã nới lỏng toàn bộ. Tuy nhiên, vẫn phải tăng cường kiểm soát rủi ro bằng cách các phòng hát hạn chế tiếp xúc giữ các nhóm hát với nhau. Bên cạnh đó phòng karaoke cũng cần được thường xuyên khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng, nhân viên phục vụ đeo khẩu trang...

Lý giải về việc chưa thể mở cửa tất cả các hoạt động trở lại, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, cần thận trọng đánh giá tình hình dịch tại các khu vực. Bên cạnh đó, các chủng virus không phát sinh thêm biến chủng mới, số ca mắc giảm, quy định 5K giảm xuống thì các hoạt động kinh doanh có điều kiện như quán bar, karaoke, massage... sẽ mở cửa trở lại.

Đáng chú ý, ngày 31.3, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 101 khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Mục đích của kế hoạch nhằm bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới.

UBND thành phố xác định còn thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ảnh hưởng nhiều tới đời sống nhân dân, có lúc gây bức xúc cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn