MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đơn vị quản lý thử nghiệm cho xe lăn đi qua hàng rào chắn. Ảnh: PV.

Hà Nội dựng rào chắn ngăn xe máy leo vỉa hè: Chỉ là giải pháp tình thế

HỮU CHÁNH - TRẦN TUẤN LDO | 24/02/2022 09:30

Hà Nội - Ban Duy tu công trình hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng việc dựng rào chắn ở vỉa hè nhằm ngăn các phương tiện đi lên, qua đó "để vỉa hè thực sự là của người đi bộ". Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế.

Mới đây, nhiều khu vực vỉa hè ở Hà Nội như đường Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Nghiêm Xuân Yêm, Lê Trọng Tấn... đã được cơ quan chức năng dựng hàng rào chắn để ngăn các phương tiện đi lên. Tuy nhiên, theo ghi nhận, nhiều người đi bộ khá khó khăn khi di chuyển qua rào chắn vì phần rào xếp so le khá hẹp, đặc biệt đối với người khuyết tật hoặc xe đẩy trẻ em.

Ngày 23.2, trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề trên, đại diện Ban Duy tu công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) - đơn vị lắp đặt hàng rào chắn trên vỉa hè cho biết, hiện nay nhiều tuyến đường nội đô thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông dẫn đến việc nhiều người dân đi xe máy lên vỉa hè để được lưu thông nhanh hơn, gây mất an toàn cho người đi bộ trên hè phố.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã nghiên cứu, phân tích, thử nghiệm kỹ lưỡng phương án lắp đặt hàng rào chắn để ngăn chặn xe máy đi lên vỉa hè.

“Hàng rào được dựng lên với mục đích trả lại công năng cho vỉa hè, để vỉa hè thực sự dành cho người đi bộ, xe dành cho người khuyết tật đi vào được thuận tiện và an toàn”, vị đại diện nói.

Hàng rào chắn tại một nhà chờ xe buýt. Ảnh: PV.

Ở các nhà chờ xe buýt, hàng rào chắn đều được thiết kế phù hợp để hành khách ra vào đón xe buýt thuận lợi. Tuy vậy, vẫn có nhiều người đứng dưới lòng đường tại một số điểm chờ xe buýt để đón xe khách đi các tỉnh, dẫn đến tình trạng lộn xộn, gây mất an toàn ở một số nơi có rào chắn.

"Thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tính toán để mở rộng điểm chờ xe buýt để người đi bộ tiếp cận vỉa hè dễ dàng hơn, phù hợp với thực tế", vị đại diện nói.

Ban Duy tu cho biết thêm, đơn vị chỉ có trách nhiệm thi công rào chắn để bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Vấn đề giải toả, xử lý những trường hợp lợi dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán, tập kết vật tư xây dựng như Báo Lao Động phản ánh, thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác.

"Đây là phương án trước mắt để hình thành ý thức cho người tham gia giao thông ở các điểm nóng ùn tắc. Về lâu dài, việc lắp đặt nhiều các rào chắn không phải là phương án tối ưu, mà cần phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn", đại diện Ban Duy tu công trình hạ tầng giao thông chia sẻ.

Đồng quan điểm, trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB GTVT cho rằng, việc lắp đặt rào chắn ở trên vỉa hè để hạn chế xe máy lưu thông là giải pháp tức thời, tình thế, chứ không phải là một giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài.

Vỉa hè bị bong tróc một phần nguyên nhân là do xe máy và các phương tiện cơ giới đi vào. Ảnh: PV

“Những nơi nào thường xuyên có tình trạng xe máy đi lên vỉa hè trầm trọng mới nên lắp đặt rào chắn. Tuy nhiên, rào chắn phải đặt phù hợp, vừa không để người đi xe máy lên vỉa hè, vừa không cản trở những người đi bộ, người khuyết tật hay các hoạt động lưu thông chính đáng khác trên vỉa hè”, ông Thủy cho hay.

Ông Thủy nhấn mạnh, các cơ quan quản lý phải nghiên cứu, tính toán và có biện pháp xử lý để người dân không lợi dụng không gian bên trong rào chắn phục vụ cho mục đích cá nhân gây cản trở giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn