MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Đường sắt thành nơi kinh doanh, người dân vô tư ngồi mua hàng

PHẠM ĐÔNG LDO | 08/05/2023 06:14

Tại một số điểm ở Hà Nội thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để kinh doanh, buôn bán, gây nguy hiểm ẩn cho cả người bán lẫn kẻ mua, mỗi khi có tàu hỏa chạy qua.

Lối ngang tự mở trên đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn TP Hà Nội thời gian gần đây liên tiếp ghi nhận các vụ va chạm giữa tàu hỏa và các phương tiện khác, gây thương vong về người.

Tuy nhiên, ở Hà Nội, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trở thành chuyện thường ngày tại những khu vực có tàu hỏa chạy qua. 

Theo ghi nhận tại đường Giải Phóng, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) là khu vực có nhiều đường sắt chạy ngang dân sinh, không rào chắn, do người dân tự mở để đi vào nhà.

Giày, dép bày bán cạnh đường sắt, gây nguy hiểm cho người mua và người bán tại đường Giải Phóng. Ảnh: Thu Hiền

Tại khu vực đường sắt chạy qua, đoạn số 264 đường Giải Phóng vào buổi chiều hằng ngày, các hộ bán hàng rong bày giày dép, quần áo ngay gần đường ray tàu hỏa. Khách đến mua hàng thỏa sức lựa chọn, không chú ý đến nguy hiểm rình rập.

Không chỉ bán hàng, người dân còn vô tư băng qua đường sắt đoạn có hộ lan. Ảnh: Thu Hiền

Anh Nguyễn Anh Tú (23 tuổi, quận Thanh Xuân) cho biết, cảnh buôn bán trên ở đường ray này diễn ra thường xuyên nhưng chưa thấy lực lượng chức năng xử lý mạnh tay.

Hơn nữa, tuyến đường sắt này nằm song song và sát với đường Giải Phóng. Vào giờ cao điểm, mật độ phương tiện lưu thông trên đường Giải Phóng rất đông, tiếng động cơ xe chạy và tiếng còi xe rất nhiều, nếu không chú ý rất có thể sẽ lẫn với tiếng còi tàu.

"Tôi thấy lượng người mua cũng khá đông, khó tránh việc đôi bên sao nhãng chính tính mạng của mình vì một cuộc mua bán, nhìn lan can bảo vệ đường ray cũng bị chiếm làm nơi để đồ bán hàng nhìn nhếch nhác, bừa bộn hẳn", anh Tú chia sẻ.

Khu vực ray trở thành nơi tập kết hàng hóa, xe máy, đồ đạc. Ảnh: Thu Hiền

Hay tại số nhà 282 đường Giải Phóng là một cửa hàng chuyên thu mua đồng nhôm, sắt vụn. Mặt trước của cửa hàng, sát khu vực đường ray tàu hỏa là nơi tập kết hàng hóa, xe máy, đồ đạc.

Còn tại khu vực cầu Trắng ở đường Giải Phóng, người dân nơi đây đã tự bắc một con đường đi qua cầu bằng những miếng ván, gỗ, rất tạm bợ để tiện đi lại, mặc kệ nguy hiểm.

Rác thải tập kết tại khu vực đường ray đường Lê Duẩn. Ảnh: Thu Hiền

Tại quận Đống Đa, mặc dù thời gian gần đây, các lực lượng chức năng quận liên tục kiểm tra, thu giữ bàn ghế, xử phạt các hộ kinh doanh cà phê nhưng ghi nhận chung cho thấy, một số quán cà phê vẫn lén lút bày bàn ghế bán cho khách hàng tại gần khu vực số nhà 224, 226 và 228 phố Lê Duẩn.

Cũng ở khu vực này, ngay ở giữa đường ray tàu hỏa, người dân vứt những miếng gỗ dài, chế thành con đường nhỏ để tiện đi qua.

Con đường tự chế bằng ván gỗ trên mặt đường ray. Ảnh: Thu Hiền

Sống tại đường Lê Duẩn, anh Lưu Văn Quang (22 tuổi) cho biết, không những cảnh kinh doanh, buôn bán ở đây vẫn còn mà tình trạng rác thải lấn hành lang đường sắt khiến những người dân xung quanh cảm thấy khó chịu mỗi khi đi qua vì mùi hôi thối bốc lên.

"Tôi thấy bức xúc khi chứng kiến cảnh rác thải độ vô tội vạ trên đường ray của một số hộ dân sống gần hành lang an toàn đường sắt, điều này gây phản cảm đối với những người đi qua. Rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có thể sớm vào cuộc giải quyết tình trạng này", anh Quang nói.

Anh Lưu Văn Quang chia sẻ với Lao Động. Ảnh: Thu Hiền
Tuy đường tàu chật hẹp nhưng nhiều hộ dân ở đây đã tận dụng đường tàu để bày bàn, ghế bán hàng. Ảnh: Thu Hiền

Tương tự, khu vực Km3+500 (ngã tư Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên) tới gầm cầu Thanh Trì, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng liên tục xuất hiện tình trạng các nhà xưởng biến khu vực giáp ranh với tuyến đường sắt thành nơi tập kết rác thải, vật liệu buôn bán như ván gỗ, tấm nhựa, sắt vụn, ống trụ bê tông...

Đặc biệt, đoạn đường sắt chạy qua địa bàn huyện Thường Tín vẫn có tình trạng các hộ dân mở lối đi qua đường sắt, xây dựng lều quán, đặt biển quảng cáo ngay ở hành lang đường sắt. Trong tháng 1.2023, địa phương này đã phá dỡ 16 lối đi tự mở, thu hẹp 25 lối đi tự mở và xây dựng 1 gờ giảm tốc...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn