MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bệnh nhân COVID-19 được phân tầng điều trị theo từng mức nguy cơ. Ảnh: P.Đ

Hà Nội: F0 tích luỹ tăng cao, ca nặng lo khó chuyển tầng điều trị

Vương Trần LDO | 13/02/2022 10:37

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Nội liên tục duy trì ở ngưỡng xấp xỉ 3.000 ca/ngày khiến tích luỹ người mắc tăng cao. Trong khi hệ thống y tế cơ sở và nhiều bệnh viện có dấu hiệu quá tải, bệnh nhân có lo ngại gặp khó nếu phải chuyển tầng điều trị. Giải pháp nào để giảm tối đa ca nguy kịch, ca tử vong?

F0 tăng nhanh, lo ngại không được chuyển tầng điều trị

Sau kỳ nghỉ Tết, anh T.T.C (quận Nam Từ Liêm) tự làm test nhanh COVID-19 tại nhà thì bất ngờ cho kết quả "2 vạch". Sau đó, anh C. tìm các số điện thoại của trung tâm y tế quận và trạm y tế phường để báo về tình trạng dương tính của mình.

Sau nhiều cuộc gọi nhưng các số điện thoại ở y tế cơ sở luôn trong tình trạng "đường dây bận", anh C. đã tự cách ly và tự tìm hiểu về cách điều trị F0 trên mạng. 

Một trường hợp khác, anh N.V.Đ (quận Hoàng Mai) cho hay, khi vợ và con gái anh dương tính với SARS-CoV-2 thì việc liên hệ với y tế phường cũng "chật vật" không kém. Phải mất tới 2 ngày gọi điện liên tục, anh Đ. mới liên lạc được với y tế phường và gửi kết quả test PCR để được ghi nhận tình trạng bệnh. 

Trường hợp của anh T.T.C và gia đình anh N.V.Đ chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp gặp cảnh khó khăn trong khi liên lạc với hệ thống y tế cơ sở để khai báo về tình hình sức khoẻ khi dương tính với SARS-COV-2. 

Nhân viên y tế cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh PĐ

Gần 1 tháng qua, Hà Nội luôn là một trong những địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước với xấp xỉ gần 3.000 ca/ngày. Mới nhất, ngày 11.2, TP tiếp tục ghi nhận 2.908 ca bệnh. TP.Hà Nội đang theo dõi, điều trị cho tổng hơn 66.000 bệnh nhân COVID-19. Trong đó, khoảng 95% bệnh nhân được theo dõi, điều trị tại nhà.

Số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở mức cao, tích luỹ dần khiến lượng bệnh nhân đang điều trị lớn dẫn tới việc quá tải từ hệ thống y tế cơ sở tới các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhiều người cũng đặt ra các lo ngại không được phân tầng điều trị kịp thời nếu có chuyển biến nặng.

Là một trong những địa bàn có số ca mắc COVID-19 cao, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, hệ thống y tế cơ sở hiện nay rất “mỏng” so với số bệnh nhân mắc COVID-19 và so với dân số tại địa phương. Mỗi phường chỉ có khoảng 10 nhân viên y tế/20.000-25.000 dân.

Trong khi đó, địa bàn quận Nam Từ Liêm là một trong những nơi có số ca mắc COVID-19 nhiều dẫn tới tích luỹ tăng cao. Nhiều ngày, địa bàn quận ghi nhận từ 150 - 200 ca F0. Có thời điểm tích luỹ trên địa bàn quận phải theo dõi, điều trị cho gần 3.000 F0. 

“Số ca F0 tăng và tích luỹ cộng dồn cao. Hệ thống y tế cơ sở phải làm việc hết công suất, mỗi cán bộ y tế phải làm việc với 200% sức lực. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều quận có số ca mắc COVID-19 cao trên địa bàn thành phố” - ông Tuấn nói.

Không nên “ồ ạt” vào bệnh viện

PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y) cho hay, trong nhiều tuần qua, số ca mắc mới không giảm, vẫn ở ngưỡng 3.000 ca/ngày. Do vậy, số ca mắc tích luỹ ngày càng nhiều nên số bệnh nhân nặng cũng tăng lên. Số giường bệnh thì hữu hạn mà số lượng bệnh nhân tăng lên thì rõ ràng khả năng đáp ứng điều trị giảm đi.

Do vậy, để tránh tình trạng quá tải tại các tầng 2, tầng 3 của các bệnh viện điều trị COVID-19 thì cần làm tốt việc quản lý, điều trị F0 tại nhà, hạn chế F0 phải chuyển tầng. Thay vì đếm số ca mắc mới hàng ngày, chỉ nên tính số ca nặng phải vào viện để tập trung nguồn lực điều trị.

“Thực tế có nhiều trường hợp F0 do quá lo lắng mà liên hệ để vào viện. Tuy nhiên, cứ 10 trường hợp thì chỉ có 1 trường hợp thực sự cần thiết phải nhập viện” - PGS.TS Hải thông tin và cho rằng, người bệnh không nên ồ ạt tới bệnh viện khi không thực sự cần thiết.

Ông Hải cho biết, các bệnh nhân nặng phải đưa vào viện ở tầng 2 và tầng 3 chủ yếu là chưa tiêm vaccine. Một số tiêm được mũi 1 và hầu hết là người cao tuổi (từ 80 đến 90 tuổi, thậm chí có người 100 tuổi), người có bệnh lý nền.

 Một trường hợp F0 chuyển nặng được chuyển tầng điều trị. Ảnh BSCC

Cũng theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, có nhiều bệnh nhân COVID-19 sau giai đoạn cấp, đến giai đoạn hậu COVID-19. Các bệnh nhân khi đã âm tính vẫn có thể cần sự hỗ trợ phục hồi chức năng như hô hấp, vận động, điều trị tâm lý sau thời gian điều trị COVID-19.

Lúc này, các bệnh viện khác hoặc các khoa khác của bệnh viện không có chức năng điều trị bệnh nhân COVID-19 cần tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân.

“Việc này vừa hỗ trợ được người bệnh, vừa có thể giúp bệnh viện điều trị COVID-19 giải phóng được khu vực điều trị để có thêm giường bệnh cho F0 trở nặng mới” - PGS.TS Hoàng Bùi Hải nói và cho hay, mục tiêu cao nhất là giảm nâng tầng, giảm số ca tử vong.

Ưu tiên các ca bệnh nặng

Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình trạng quá tải ở đây xảy ra từ đầu tháng 12.2021. Khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 luôn trong tình trạng kín giường với gần 600 bệnh nhân (từ các tỉnh khác chuyển đến).

Tương tự, tại BV điều trị COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), từ cuối tháng 12, nhân viên y tế tại đây đã phải chịu áp lực lớn khi ca mắc tăng nhanh.

Lãnh đạo BV cho biết, để giảm tải cho nhân viên y tế cũng như tiếp nhận những bệnh nhân nặng, thật sự cần sự chăm sóc, BV đang xây dựng quy chuẩn sàng lọc bệnh nhân.

Cụ thể, với những trường hợp F0 đến điều trị, nếu tình trạng nhẹ, BV sẽ hướng dẫn điều trị tại nhà hoặc liên hệ tới các nơi khác để điều trị. BV sẽ ưu tiên cho những bệnh nhân có tình trạng nặng. Đây cũng là giải pháp nhằm giảm tử vong cho TP.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn