MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Hàng loạt nhà vệ sinh công cộng rơi vào cảnh nhếch nhác, bỏ hoang

KHÁNH AN - HỮU CHÁNH LDO | 14/03/2023 09:02

Nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội đã ít lại còn xuống cấp nhếch nhác, dơ bẩn; có chỗ bỏ hoang, cửa đóng then cài.

 Nhếch nhác những nhà vệ sinh công cộng

Anh Nguyễn Văn Minh – tài xế xe ôm công nghệ chỉnh lại chiếc khẩu trang, bật đèn flash trên điện thoại trước khi bước vào nhà vệ sinh công cộng trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội).

Anh Minh cho biết, do đặc thù công việc nên anh thường xuyên phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng, song hầu hết những trải nghiệm này đều “đáng quên”. 

Nhà vệ sinh công cộng trên đường Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Khánh An 

“Có nhà vệ sinh công cộng thì hỏng cần gạt nước xả bồn cầu, có nơi thì lại hỏng chốt cửa, cháy bóng đèn... Những lúc “bí bách” lắm tôi mới đi vào nhà vệ sinh công cộng, còn không thì cố nhịn về đến nhà” – anh Minh nói. 

Một nhân viên vệ sinh cho biết hệ thống đèn và van xả tại nhà vệ sinh công cộng trên đường Hoàng Quốc Việt đã bị hỏng nhiều năm nay, song không có ai sửa chữa.

Nhân viên vệ sinh thường xuyên phải bơm nước thủ công và cho vào thùng trữ nước. Ảnh: Khánh An
  Nhà vệ sinh công cộng xập xệ, hệ thống đèn bị hỏng suốt thời gian dài. Ảnh: Khánh An
  Hình ảnh xập xệ bên ngoài nhà vệ sinh công cộng. Ảnh: Khánh An

Mỗi khi có người đến, nhân viên vệ sinh này đều phải dặn mọi người bật sẵn đèn trong điện thoại và nhớ dội nước bằng ca sau khi sử dụng. 

“Mỗi ngày, nhà vệ sinh công cộng này thường có 10-30 lượt người sử dụng. Ai nấy khi bước ra khỏi nhà vệ sinh khuôn mặt đều ngán ngẩm” – nhân viên vệ sinh kể lại. 

Tương tự, nhà vệ sinh công cộng trên đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy) cũng khiến nhiều người ngán ngẩm khi bốc mùi hôi thối và nhiều ruồi muỗi. Bên trong nhà vệ sinh, hệ thống nước yếu, khó xả sau mỗi lần sử dụng. 

Cơ sở vật chất xuống cấp ở nhà vệ sinh công cộng trong khuôn viên Công viên Cầu Giấy. Ảnh: Hữu Chánh

Trong khuôn viên Công viên Cầu Giấy có 3 nhà vệ sinh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của những nhà vệ sinh này đã xuống cấp nghiêm trọng.

Bên ngoài, tường gạch bong tróc, nham nhở, ẩm mốc, các ô cửa kính vỡ nát. Cơ sở vật chất, trang thiết bị bên trong cũng không khá hơn là bao.

Vòi nước rửa tay đã bị hỏng. Ảnh: Hữu Chánh
Mất nắp két nước bồn cầu, lẫy gạt nước cũng đã hư hỏng. Ảnh: Hữu Chánh

Nhà vệ sinh ở đây được chia thành 2 khu nam và nữ. Tại phòng vệ sinh nam được trang bị 3 bồn tiểu nam, 2 bồn cầu vệ sinh.

Hiện nắp két nước bồn cầu đã biến mất, lẫy gạt nước đã hư hỏng và được chế lại bằng một sợi dậy tạm bợ để xả nước. Nhà vệ sinh này không có giấy, không có vòi xịt vệ sinh, trong khi hệ thống nước để rửa tay cũng không có.

Đèn chiếu sáng bị hỏng, các ổ điện hở toác, gây nguy hiểm cho người dân. Ảnh: Hữu Chánh
Có nhà vệ sinh còn xuất hiện dòng chữ cảnh báo bị tắc, phải đội nước và chỉ đi "nhẹ". Ảnh: Hữu Chánh

Theo ghi nhận của Lao Động trên đường Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt... nhiều nhà vệ sinh cũng đã xuống cấp, rò rỉ nước, có những nhà vệ sinh do đưa vào sử dụng đã lâu, hệ thống van xả có vấn đề nên mỗi khi vệ sinh phải xả nước thủ công.

Nơi bỏ hoang, chỗ khoá trái cửa

Tại tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch đã xây dựng 3 nhà vệ sinh công cộng. Theo ghi nhận ngày 14.3, 1 trong 3 nhà vệ sinh có cây cối che khuất, người dân phải đến gần mới nhìn thấy được.

Một nhà vệ sinh trên đường Láng khóa trái cửa 1 bên, chỉ mở 1 bên. Ảnh: Hữu Chánh
Một số mở nhưng cơ sở vật chất đã xuống cấp. Ảnh: Hữu Chánh

Chị Nguyễn Thị Thu (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết, nhà vệ sinh công cộng này thi thoảng lại khóa trái cửa. Do đó, người dân khi có nhu cầu sử dụng nhưng vì không mở được cửa nên không ít người đã phải “xả” ở bên ngoài.

Nhà vệ sinh cạnh hồ Xã Đàn đã bị hỏng chốt trong. Ảnh: Hữu Chánh

Một số nhà vệ sinh công cộng ở khu vực sân vận động Mỹ Đình cũng rơi vào tình trạng cửa đóng then cài. Bên ngoài đã xuất hiện tình trạng bong tróc, hoen gỉ.

Nhà vệ sinh công cộng ở phố Giáp Nhất trở thành nơi tập kết vật liệu, rác thải. Ảnh: Hữu Chánh
Nhiều người ý thức kém, đi vệ sinh bừa bãi bên ngoài ngoài nhà vệ sinh khiến khu vực này trở nên hôi thối. Ảnh: Hữu Chánh

Nhà vệ sinh này đã bị khóa lại. Ảnh: Hữu Chánh

Trên đường Giáp Nhất (quận Thanh Xuân), nhà vệ sinh công cộng cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang không hoạt động, một bên cửa khoá trái.

Phía ngoài trở thành nơi tập kết rác thải và vật liệu xây dựng. Cạnh đó là những mảnh vỡ thủy tinh vương vãi lối ra vào nhà vệ sinh này.

Người dân không vào được nhà vệ sinh nên đã tiểu tiện ra bên ngoài. Ảnh: Hữu Chánh
 Người dân phải xả nước thủ công sau khi đi vệ sinh. Ảnh: Vĩnh Hoàng
 Bồn tiểu đứng bị tắc. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Anh Nguyễn Văn Hải (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết, nhà vệ sinh ở đây đã bị bỏ hoang từ lâu, không có đơn vị đến sửa chữa, bảo dưỡng để đưa vào sử dụng.

“Số lượng nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội hiện tại rất ít, không đủ cho nhu cầu của người dân và việc tìm kiếm cũng khá khó khăn. Trong khi đó, một số nhà vệ sinh được xây dựng nhưng lại bỏ hoang gây lãng phí”, anh Hải nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn