MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm đỗ xe buýt tại bến xe Mỹ Đình vắng bóng các hành khách trong ngày 26.11. Ảnh: Lan Nhi

Hà Nội: Hành khách đi xe buýt giảm mạnh

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 27/11/2020 06:28

Sáng 26.11, phóng viên Lao Động có mặt trên tuyến xe buýt số 16, xuất phát từ bến xe Mỹ Đình đến điểm cuối là bến xe Giáp Bát. Mặc dù đang trong khung giờ cao điểm, thế nhưng tuyến xe buýt có lộ trình nối các điểm tập trung đông dân cư, trường học, Học viện trên địa bàn TP.Hà Nội như: Khu vực Cầu Giấy - Xuân Thủy, Ngã Tư Sở - Trường Chinh, Giải Phóng - Phố Vọng... vẫn khá vắng khách.

Tại các điểm dừng xe buýt dọc theo lộ trình, chỉ có lác đác một vài hành khách lên, xuống trên các chặng đường ngắn. Không chỉ tuyến xe buýt số 16, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tuyến xe buýt khác cũng đang chịu chung số phận khi xuất bến chỉ có lác đác một vài hành khách.

Anh N.V.H - nhân viên bán vé trên tuyến xe buýt số 16 (thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transeco) - chia sẻ, lượng vé bán ra mỗi ngày thì không thể đếm được, còn phải tùy thuộc vào số lượng hành khách đi trên xe. Tuyến buýt 16 tuy đi qua các điểm đông dân cư nhưng chỉ đông hành khách trong những giờ cao điểm, những giờ còn lại thì khá vắng vẻ. Thậm chí, có những hôm chỉ có lác đác một vài hành khách ngồi trên xe và đi hết tuyến.

Trong báo cáo mới nhất gửi UBND TP.Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 8.2020, tổng sản lượng hành khách đạt 221,3 triệu lượt, giảm 26,8% so với cùng kỳ. Được biết, thời gian gần đây, các đơn vị vận hành xe buýt Hà Nội đã có khoản nợ lên đến hàng trăm tỉ đồng. Để đảm bảo hoạt động xe buýt thường xuyên, liên tục và không bị gián đoạn, TP.Hà Nội vẫn đang tiến hành cho các tuyến xe buýt này hoạt động bình thường.

Tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, do tác động của dịch COVID-19, lượng khách đi xe buýt 6 tháng đầu năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng. Lượng khách đi xe buýt sụt giảm nghiêm trọng khiến các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ này lỗ nặng, khoản trợ giá vẫn như cũ trong khi doanh thu lại sụt giảm nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân lượng khách sụt giảm vì COVID-19, doanh nghiệp này cũng đề cập đến tình trạng hụt thu do thành phố quyết định miễn phí cho người cao tuổi.

Theo ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP.Hà Nội, chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỉ đồng. Với lãi suất từ 7 - 8%/năm, nếu thành phố và các bộ ngành có liên quan không sớm tháo gỡ, nguy cơ dừng chạy của nhiều tuyến buýt.

“Chủ trương miễn phí xe buýt cho người cao tuổi là đúng đắn, song trong quá trình tổ chức đấu thầu, thành phố cần có cơ chế tính đúng, tính đủ, giám sát chặt chẽ” - ông Thông nói.

Ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội - cho biết, do cơ chế bị vướng, giao thời giữa việc thực hiện chính sách cũ và chính sách mới (chính sách cũ là đặt hàng, chính sách mới là đấu thầu) nên đến nay thành phố chưa quyết định sẽ thanh toán tiền trợ giá xe buýt của quý I/2020 cho 7 doanh nghiệp này theo hình thức nào. Hiện UBND TP.Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu thanh toán...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn