MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Lương Hạnh

Hà Nội: Lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến

LƯƠNG HẠNH LDO | 08/07/2023 10:26

Tính đến tháng 5.2023, TP Hà Nội có gần 34.000 hồ sơ đăng kí hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 36% so với cùng kì. Người làm hồ sơ nhận trợ cấp chủ yếu là công nhân làm việc trong các ngành dệt may, điện tử, giày da, sản xuất chế tạo.

Thêm hơn 9.100 người nộp hồ sơ hưởng BHTN

10 năm làm kế toán kho tại một công ty chuyển phát nhanh, chị Lê Thị Hồng Na (SN 1981, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) bị chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 11.2022. Chị Na là một trong khoảng 3.000 nhân viên phải nghỉ việc vì công ty này thực hiện tinh giản biên chế.

Chị Na được công ty hỗ trợ thanh lí hợp đồng 2 tháng lương cơ bản. Số tiền này cũng chỉ đủ để xoay xở trong những ngày tháng thất nghiệp. Sau đó, chị Na tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) hoàn thành thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm việc làm mới.

Còn anh Vũ Hồng Hải (SN 1998, quận Đống Đa, TP Hà Nội) cũng chật vật tìm kiếm việc làm trong 6 tháng đầu năm 2023. Trước đây, khi làm nhân viên marketing cho một công ty sản xuất gỗ, anh Hải có mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Tình hình kinh doanh của công ty gặp khó khiến anh Hải và nhiều nhân viên bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Anh Hải nộp hồ sơ vào một số công ty cùng ngành. Tuy nhiên, thời gian trung bình làm việc tại một công ty chỉ khoảng 1 tháng, anh Hải lại thấy “bất ổn”. “Lương thấp, không có định hướng phát triển rõ ràng cho nhân viên, môi trường làm việc cũng không thân tiện… Mỗi công ty lại có một lí do khiến tôi khó gắn bó. Tôi loay hoay tìm việc làm phù hợp trong nửa năm qua” - anh Hải tâm sự.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tính đến tháng 5.2023, có gần 34.000 hồ sơ đăng kí hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 9.100 người so với cùng kì năm 2022 (tăng 36%).

Đơn vị này đang tổng hợp tình hình hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng đầu năm. Về sơ bộ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận hơn 43.574 hồ sơ nộp hưởng trợ cấp thất nghiệp, riêng tháng 6 gần 10.000 hồ sơ.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - những lao động này ít nhất đã mất việc từ tháng 2. Sau khi chưa tìm kiếm được việc làm, họ đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm.

Thống kê của đơn vị này cho thấy, người làm hồ sơ nhận trợ cấp chủ yếu là công nhân làm việc trong các ngành dệt may, điện tử, giày da, sản xuất chế tạo. Lao động bị cắt giảm đã có sự dịch chuyển sang các ngành thâm dụng lao động so với năm trước chủ yếu là du lịch, khách sạn, giao thông vận tải.

Gỡ khó việc làm

Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục Việc Làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết: nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng, do đó lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hưởng trợ cấp thất nghiệp, dẫn đến số người nộp hồ sơ tăng.

“100% người đến trung tâm dịch vụ việc làm để xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đều sẽ được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề. Có học nghề, có kĩ năng thì người lao động mới có nền tảng để chuyển đổi vị trí việc làm” - ông Tú khẳng định.

Hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm sử dụng các phương pháp tư vấn trực tiếp với người lao động đến giao dịch. Tại những trung tâm dịch vụ việc làm có nhiều người lao động đến giao dịch trong một thời điểm thường sử dụng phương pháp tư vấn tập thể.

Ngoài ra, phương pháp tư vấn trực tuyến qua mạng internet, thư điện tử, mạng xã hội, các công cụ giao tiếp trên mạng máy tính (Skype, Facebook…), tổng đài tư vấn (Hà Nội, Cần Thơ…) cũng được các trung tâm sử dụng.

Nguồn dữ liệu việc làm lấy từ các tổ chức, doanh nghiệp đến tuyển dụng tại trung tâm, sàn giao dịch việc làm, dữ liệu trực tuyến thống kê và lập danh sách, đồng thời lập bảng công ty để giới thiệu đến người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn