MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày càng nhiều chung cư được xây dựng, khiến những khu vực này quá tải về hạ tầng, thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài. Ảnh: Yến Nhi

Hà Nội: Mở đường "giải cứu" giao thông, chung cư mọc ngay bên đường mới mở

Phạm Đông - Yến Nhi LDO | 19/05/2022 10:15

Hà Nội những năm qua phải làm và mở rộng rất nhiều tuyến đường để "giải cứu" giao thông. Nhưng nghịch lý, đường vừa mới ra lại "mọc" thêm nhiều chung cư cao tầng bám sát hai bên đường. 

Hạ tầng giao thông không theo kịp

Như Lao Động đã phản ánh, mỗi năm, Hà Nội đang phải mở rộng nhiều tuyến đường để "giải cứu" các điểm nóng giao thông. Nhưng đường vừa mở rộng thì lại mọc lên chung cư cao tầng bám sát mặt đường khiến tắc đường còn trầm trọng hơn. Nghịch lý này đang khiến bài toán giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông của thành phố quanh quẩn và vá víu.

Mới đây nhất, để giảm ùn tắc giao thông, thành phố đã ban hành Nghị quyết về chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025.

Tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là trên 1.865 tỉ đồng và được phân bổ theo từng năm từ ngân sách thành phố. Trong đó, năm 2021 kinh phí là 335.507 triệu đồng (đã được UBND thành phố bố trí để thực hiện trong năm 2021); năm 2022 là 343.300 triệu đồng; năm 2023 là 401.800 triệu đồng; năm 2024 là 425.800 triệu đồng; năm 2025 là 358.800 triệu đồng. Chương trình thực hiện trong 5 năm, từ năm 2021 đến năm 2025.

Giải pháp giao thông của Hà Nội là đầu tư nhiều dự án cải tạo, mở rộng, quy hoạch nhiều tuyến đường. Song, tất cả các điều kiện giao thông nói trên lại không theo kịp với việc hình thành các cao ốc, chung cư.

Chung cư mọc lên, hạ tầng giao thông quá tải.

Theo đó, sau khi hầm chui trực thông trên hướng đường Nguyễn Trãi được hoàn thành, đưa vào sử dụng, nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến trở thành nơi có kết cấu hạ tầng hiện đại bậc nhất của Thủ đô. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào sử dụng cũng làm tăng thêm điểm kết nối cho các tuyến đường.

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên diễn ra tại đây. Một trong những nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông Hà Nội "đua không kịp" cao ốc, chung cư.

Cách đó không xa, ngã tư Lê Văn Lương - Tố Hữu cũng chịu cảnh quá tải chung cư cao tầng. Để "chữa cháy" cho giao thông, giảm thiểu ùn tắc, thành phố đã đầu tư xây dựng hầm chui Lê Văn Lương. 

Hầm chui Lê Văn Lương hơn 700 tỉ đồng tại Hà Nội dần thành hình.

Hầm chui Lê Văn Lương là 1 trong 6 dự án giao thông trọng điểm của TP Hà Nội. Dự án trọng điểm này có tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng. Trong đó giá trị dự toán của dự án xây dựng là hơn 341 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong 18 tháng. Hầm chui được xây dựng trực thông hướng đường Lê Văn Lương, đi ngầm qua nút giao Khuất Duy Tiến – Tố Hữu, có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475 m.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, dù tương lai hầm chui này có đi vào sử dụng thì ùn tắc giao thông cũng không thể giảm khi đang chất tải quá nhiều nhà cao tầng. Trên đường Lê Văn Lương, hàng loạt dự án chung cư cao tầng không ngừng “chen chúc” mọc lên dọc hai bên tuyến đường

Nối liền Lê Văn Lương là tuyến đường Tố Hữu cũng đang phải "gánh" trên mình hàng chục dự án bất động sản với quy mô lớn san sát nhau như dự án: CT14, CT Trung Văn, The Light, The Pride, Roman Plaza... 

Thế nhưng, số lượng các dự án cao ốc không dừng lại ở đó, vẫn còn nhiều công trình đang được triển khai và đua nhau “mọc lên” trên tuyến đường này.

Tương tự, bất chấp những phản ánh trước đó của báo chí, tuyến đường Nguyễn Tuân tiếp tục mọc lên những tòa cao ốc mới đang xây dựng dở dang và cả xây dựng mới. Cả hai dự án tổ hợp khu nhà ở hỗn hợp VIHA COMPLEX số 107 Nguyễn Tuân và công trình DLC - COMPLEX Nguyễn Tuân đều có quy mô hơn 30 tầng.

Gom dân chứ không phải giãn dân

Tại Hà Nội, các cao ốc, chung cư đang trở thành điểm nóng giao thông khi hạ tầng phát triển không theo kịp. Việc cho xây dựng ồ ạt chung cư cao tầng đồng nghĩa với việc gom dân chứ không phải giãn dân ra khỏi Thủ đô.

Thông thường trong quy hoạch, hạ tầng giao thông phải đi trước các dự án xây dựng nhà ở một bước mới đảm bảo không làm phát sinh các vấn nạn giao thông như tắc đường, kẹt xe… Tuy nhiên hiện nay, ở Hà Nội, nguyên lý này đang bị làm ngược lại khiến nạn tắc đường trầm trọng nhiều năm nay.

Nhiều cao ốc đang “bóp nghẹt” hạ tầng.

Áp lực dân số, các tổ hợp chung cư, văn phòng đã "bóp nghẹt" các tuyến đường và biến nơi đây trở thành những "điểm đen" ùn tắc giao thông chứ không phải là những khu đô thị đáng sống, hiện đại bậc nhất ở Thủ đô.

Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, vấn đề hiện nay của nhà cao tầng khu vực nội đô Hà Nội lại không nằm ở khâu quy hoạch, mà do những bất cập trong khâu thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch. Đó là tình trạng điều chỉnh cục bộ trong quá trình thực hiện.

Ông Chiến đề nghị, rà soát lại quy hoạch khu vực nội đô lịch sử và khoanh vùng, cấm tuyệt đối xây dựng ở những khu vực cần bảo tồn như phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Tây, hồ Gươm, thành cổ… Cần quy định rõ những khu vực cho phép xây nhà cao tầng và phải áp dụng hệ số sử dụng đất để khống chế sự phát triển. Riêng đối với khu vực nội đô mở rộng cần yêu cầu thực hiện theo quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn