MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân đã ra vào công viên theo lối mở mà nhân viên bảo vệ không kiểm soát được. Ảnh: Phạm Đông

Hà Nội mở rào loạt công viên: Cần có quy định, quản lý cho không gian mở

PHẠM ĐÔNG LDO | 18/03/2023 08:58

Sau mở rào công viên, việc tiếp cận của người dân Hà Nội dễ hơn, nhưng cùng với đó, một số vấn đề khác bắt đầu xuất hiện làm giảm chất lượng công viên.

Hàng rào Công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông được dỡ bỏ từ ngày 22.12.2022 và không còn thu vé vào cửa.

Người dân nhiệt tình đón nhận chủ trương này, tuy nhiên, việc tăng khả năng tiếp cận của người dân với không gian công cộng lại đi kèm gia tăng tình trạng lộn xộn.

Theo đó, từ khi mở rào, một số người dân hay thả chó đi lung tung mà không rọ mõm, xe đạp phóng ầm ầm, hoặc người ta ngồi ăn ở vệ cỏ thì hay vứt rác. 

Theo Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, sau khi mở rào, lượng khách đến công viên tăng trên 20% sau khi mở rào, tuy nhiên doanh thu không tăng vì miễn phí vào cổng.

Dù công viên thay đổi, người dân tập thể dục có trang phục lịch sự hơn, nhưng tình trạng chó thả rông, phóng uế, xe cộ đi lại,… vẫn tồn tại.

Công viên đã điều chỉnh lại lực lượng bán vé cổng sang tăng cường cho lực lượng an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh, duy tu, duy trì công viên, vườn hoa. Tuy nhiên, lực lượng an ninh chỉ có thể phối hợp với công an phường vì không có quyền xử phạt.

Tương tự, Công viên Cầu Giấy đã được hạ rào chắn để phục vụ người dân. Tuy nhiên, sau khi hạ rào, vỉa hè bao quanh công viên lại bị chiếm dụng. 

Đoạn hàng rào được tháo dỡ, mở toang để người dân có thể ra - vào công viên dễ dàng hơn nhưng lại tạo thành các đường mòn, lối mở làm chết đi mặt cỏ xanh tốt được trồng trước đó và nhân viên bảo vệ không kiểm soát được.

Vỉa hè Công viên Cầu Giấy thành nơi dừng đỗ xe. Ảnh: Phạm Đông

Giống như hai công viên trên, Công viên Thủ Lệ cũng sẽ được nghiên cứu hạ rào một phần, thực hiện cải tạo, nâng cấp khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan.

Tiếp theo, Sở Xây dựng cũng đang đề xuất UBND thành phố dừng thực hiện bán vé vào Công viên Bách Thảo trong năm 2023. 

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc chuyển sang mô hình công viên mở tại Hà Nội đáng nhẽ phải làm từ lâu, khi hầu hết công viên lớn tại TPHCM đã mở rào cả chục năm nay, quản lý rất tốt và Hà Nội có thể học tập.

Tuy nhiên, ông Nghiêm đề nghị, cần xây dựng lộ trình, kịch bản đầy đủ để đảm bảo về quản lý đô thị cho việc hạ rào, tăng không gian xanh cho các công viên. Ngoài ra, việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân rất quan trọng.

Theo ông Nghiêm, cơ quan nhà nước không thể đủ ngân sách bố trí bảo vệ túc trực ngày đêm ở các không gian mở này. Để giải quyết bài toán đó cần phải phân cấp, ủy quyền cho địa phương, cho chính cộng đồng dân cư, tổ dân phố.

Cùng với việc vận động nhân dân có ý thức hơn không gian công cộng, vì lợi ích chung của toàn xã hội thì cũng cần có các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Còn KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị, Hà Nội phải có kịch bản cho quản lý công viên sau khi phá bỏ rào cứng, đó là: Trồng cây xanh, vườn hoa xung quanh công viên trừ những lối đi cho người vào vui chơi, thưởng ngoạn; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, camera an ninh để thuận tiện cho quản lý.

Trước đó, hơn 10.000 cây hoa hồng đã được Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất trồng làm tiểu cảnh trang trí tại khu vực hạ rào công viên trên đường Trần Nhân Tông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn